Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây táo mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng táo, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Biện pháp phòng, chống dịch hại tổng hợp trên cây táo
Thời gian qua, việc quản lý dịch hại tổng hợp cho các loại cây trồng nói chung và cây táo nói riêng được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu và ứng dụng thành công các biện pháp kỹ thuật từ công tác chọn giống chống chịu với sâu bệnh hại, quy trình canh tác cũng như áp dụng các biện pháp quản lý cho từng đối tượng dịch hại.
Trong đó, Viện đã nghiên cứu và được Cục BVTV công nhận tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp ruồi đục quả trên cây táo tại Ninh Thuận và một số tỉnh Nam Trung bộ vào năm 2023.
Phỏng vấn Chị Đổng Thị Út Nhi, Cán bộ kỹ thuật Trung tâm BVTV thuộc Viện Nha Hố
Cây táo có rất nhiều loại dịch hại như phấn trắng, các loại nhện đỏ, các loại sâu đục quả, ruồi đục quả. Ở đây chúng tôi sử dụng các biện pháp quản lý các dịch bệnh hại bằng cách sử dụng lưới chắn ruồi vàng và các biện pháp sinh học khác như các bẫy ruồi vàng, các hũ ruồi vàng chứa pheromone để thu hút côn trùng, các loại bẫy đèn.
Trong đó, việc sử dụng lưới trùm bao vườn táo để ngăn cản các đối tượng dịch hại ở ngoài vào vườn là biện pháp cực kỳ quan trọng. Kết hợp thu hút, duy trì và khích lệ hoạt động của các loài thiên địch, đảm bảo được mật số cho quá trình đấu tranh sinh học trong vườn táo.
Bên cạnh đó, sử dụng các giống được Bộ NN-PTNT công nhận; áp dụng biện pháp tăng cường sức khỏe đất. Trong đó tăng cường bón phân hữu cơ, trồng xen các cây để cải tạo đất. Đặc biệt không sử dụng thuốc trừ cỏ để tránh gây ảnh hưởng đến các loại sinh vật có ích có trong đất.
Đồng thời, cần tạo tán cho cây táo, nhất là trong mùa mưa nếu để mật độ cành quá cao thì bệnh phấn trắng và bệnh thán thư phát triển rất mạnh, làm giảm năng suất và chất lượng cây táo.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm BVTV thuộcViện Nha Hố
Hiện nay chúng tôi áp dụng biện pháp khích lệ và duy trì các loại sinh vật có ích trên vườn táo bằng các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc BVTV gây hại đến các quần thể sinh vật. Thứ 2 chúng tôi trồng xen cây đậu trong cây táo để nhằm tạo ổ sinh thái và một phần nguồn thức ăn đối với cây táo.
Nếu chúng ta duy trì được mật độ sinh vật có ích trên vườn táo đến một lượng nhất định thì nó sẽ khống chế được các loại sâu hại xâm nhập và gây hại.
Ngoài ra có thể sử dụng các bẫy bả protein, bẫy bả sinh học, bẫy bả ánh sáng để thu hút, tiêu diệt các loại kiến thành, sâu khoang, sâu róm, rầy, rệp và các biện pháp khác như sử dụng cây phân xanh, bạt để phù bề mặt cỏ hoặc áp dụng biện pháp chế độ tưới nước tiết kiệm từ đó hạn chế sử dụng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, giúp việc quản lý dịch hại trên cây táo đạt hiệu quả.
Phỏng vấn Ông Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố
Trong thời gian qua, chúng tôi vừa nghiên cứu vừa chuyển giao, cho nên một trong những thành công lớn áp dụng các biện pháp quảy lý dịch hại trên cây táo được người dân Ninh Thuận và các vùng lân cận áp dụng rất rộng và hiện nay tỷ lệ áp dụng có thể trên 95% và để áp dụng toàn bộ, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật ở Viện khuyến cáo thì hiện nay khoảng 70% và chính như vậy hiệu quả rất rõ rệt.
Hiện nay các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp được Viện áp dụng cực kỳ thành công trên vườn táo tại viện cũng như chuyển giao cho bà con nông dân. Sau gần 4 năm đánh giá cho thấy mật độ sinh vật có ích trên cây táo hàng năm ngày càng phong phú và việc quản lý dịch hại trên vườn táo cực kỳ thuận lợi; đồng thời giảm thiểu sử dụng thuốc hóa học trên vườn táo, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng táo, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.