Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố vừa tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật quản lý tổng hợp ruồi đục và một số bệnh chính khác trên cây táo. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận và các hộ trồng táo trên địa bàn huyện Ninh Sơn, Ninh Phước (Ninh Thuận).
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) đã chia sẻ với nông dân các giải pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại cây táo. Theo đó, các giải pháp kỹ thuật như trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng cách sẽ giúp cây táo phát triển tốt, khỏe mạnh, giúp kháng sâu bệnh tốt hơn. Đối với ngăn chặn ruồi đục quả táo, giải pháp hữu hiệu nhất là dùng nhà lưới chống côn trùng xâm nhập vào vườn táo; đồng thời, đặt các bẫy sinh học dẫn dụ diệt ruồi.
Ngoài ra, việc kết hợp và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất như bao lưới màng hoàn toàn trên giàn táo; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, bẫy vi sinh vật gây hại bằng hệ thống bẫy đèn, bẫy bã... sẽ phát huy được hiệu quả. Hiện nay, các giải pháp công nghệ canh tác này trên các giống táo mới như TN01, TN06… đã cho năng suất bình quân từ 40 - 45 tấn/ha/vụ, độ brix>13%, tỷ lệ quả táo bị hư hại <5%, giúp giảm 10% lượng phân bón và giảm 60 - 70% số lần phun thuốc BVTV, doanh thu đạt 800 - 900 triệu đồng/ha/vụ.
Theo ông Phạm Dũng, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận, trên 90% diện tích táo của tỉnh hiện đã được áp dụng bao lưới màng. Táo là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian qua các hộ trồng táo gặp khó khăn do sinh vật gây hại, nhất là ruồi đục trái. Với việc Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chuyển giao kỹ thuật quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số bệnh chính khác trên cây táo, sẽ giúp nghề trồng táo phát triển bền vững, sản phẩm táo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.