| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng IPM phòng trừ sâu bệnh hiệu quả

Thứ Tư 14/12/2022 , 07:40 (GMT+7)

Các kiến thức, kinh nghiệm sau thời gian dài được học tập và ứng dụng IPM đã giúp bà con HTX Tiền Lệ thích ứng tốt với thời tiết bất thuận trong nhiều năm.

IMG_5685-min

Bà Nguyễn Thị Xuân, thành viên HTX Tiền Lệ bắt sâu ăn lá. Ảnh: Quang Linh. 

Trong khi nông dân ở nhiều vùng sản xuất rau an toàn phía Bắc phải đau đầu vì các loại sâu bệnh hại phát triển mạnh do thời tiết nóng hơn mọi năm vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua thì vườn rau của bà con HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) chỉ bắt thủ công các loại sâu ăn lá vẫn có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.

Theo các xã viên của HTX Tiền Lệ, thành công này có được là nhờ việc áp dụng triệt để các nguyên tắc về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên đồng ruộng. HTX Tiền Lệ là đơn vị sản xuất nông nghiệp lâu năm tại xã Tiền Yên với khoảng 700 xã viên, trong đó, có 35ha canh tác đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết, tạo đầu ra cho nông sản của HTX với sản lượng tiêu thụ khoảng 4 - 5 tấn/ngày như: cải mơ, cải ngồng, cải ngọt, su hào, hành lá,…

Là một trong những đơn vị sản xuất rau an toàn áp dụng IPM sớm tại Hà Nội từ năm 2007, nên các xã viên HTX Tiền Lệ rất tuân thủ nguyên tắc, phương pháp IPM như thăm đồng thường xuyên, ghi chép tình hình sâu bệnh hại,....

Bà Nguyễn Thị Xuân, thành viên HTX Tiền Lệ cho biết, sau khi được tập huấn về IPM, nhận thức và cách phòng trừ sâu bệnh hại của nông dân đã được thay đổi đáng kể. Lợi ích của việc áp dụng IPM được thể hiện rõ trong năm nay, khi thời tiết vào tháng 10 và 11 nóng hơn trung bình nhiều năm, kéo theo đó là tình trạng sâu bệnh hại phúc tạp, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trong IPM, việc canh tác của bà con vẫn được duy trì ổn định và không phải sử dụng thuốc trừ sâu.

“Triển khai theo lớp học IPM, chúng tôi thăm đồng thường xuyên, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại như bắt thủ công, bẫy dính, màng phủ passlite, rào chắn bọ nhảy… Trong trường hợp sâu bệnh quá nhiều, chúng tôi cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo các tài liệu IPM được cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật hướng dẫn theo nguyên tắc 4 đúng”, bà Xuân chia sẻ.

IMG_5649-min

Nhờ IPM, các sản phẩm của HTX Tiền Lệ luôn có đầu ra ổn định nên mang lại thu nhập tốt cho bà con. Ảnh: Quang Linh.

Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hoài Đức đã triển khai lớp học hiện trường về IPM trên cây rau cải vụ đông 2022 tại  HTX Tiền Lệ. Các nội dung từ phương pháp điều tra hệ sinh thái, tìm hiểu sinh lý cây rau cải theo các giai đoạn, phòng trừ sâu bệnh cũng như vai trò, tác dụng của phân bón, vòng đời và mạng lưới thức ăn, chuột hại được phổ biến tận từng nông dân.

Chia sẻ về quá trình triển khai các lớp IPM tại HTX Tiền Lệ, bà Đặng Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hoài Đức (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội) cho biết, sau khi kết thúc lớp huấn luyện, các học viên đã nâng cao nhận thức trong việc phòng trừ dịch hại tổng hợp, từ đó giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vụ, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe của chính bà con.

“Các học viên tuy đã lớn tuổi nhưng đều áp dụng tốt kiến thức phòng trừ dịch hại tổng hợp vào thực tế sản xuất. Đặc biệt, bà con rất tuân thủ việc chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi tỷ lệ bệnh hại đến ngưỡng theo hướng dẫn”, bà Thủy nhấn mạnh.

Trong năm 2022, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hoài Đức đã triển khai nhiều phương pháp canh tác an toàn, phòng trừ sâu bệnh tại HTX Tiền Lệ như bón bột đậu tương và màng phủ passlite. Kết quả thực hiện cho thấy, so với sử dụng phân bón hoá học, cây rau khi được bón bột đậu tương phát triển chậm hơn, tuy nhiên, bột đậu tương cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây trồng: Đa, trung, vi lượng, các vitamin, muối khoáng và các axit amin nên giúp cây phát triển bền, lá rau dày, không non mỡ, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX Tiền Lệ chia sẻ, nhờ IPM, nông dân ngoài giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, tiết kiệm chi phí sản xuất, còn thúc đẩy việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng. Nhờ đó, hiện các sản phẩm của HTX Tiền Lệ luôn có đầu ra ổn định, đem lại thu nhập 600 - 700 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.