| Hotline: 0983.970.780

Giảm 50% lượng thuốc BVTV nhờ IPM trên cây hoa cúc

Thứ Bảy 09/10/2021 , 22:32 (GMT+7)

HƯNG YÊN Nhờ áp dụng IPM, các loại hoa trồng trong mô hình đều cho thu nhập cao hơn đối chứng từ 25 - 30%, giảm được 50% lượng thuốc BVTV.

Là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, cây hoa cúc có thể sản xuất được quanh năm, cho nhiều màu sắc phong phú (vàng, tím, trắng), hoa bền đẹp, dễ bảo quản vận chuyển đi xa.

Đặc biệt hoa cúc rất dễ nhân giống vô tính, hiệu quả sản xuất cao. Tuy nhiên, trồng hoa nói chung, do quan niệm không phải là sản phẩm dùng cho người ăn hoặc chăn nuôi gia súc gia cầm nên nhiều nhà nông thường "thả phanh" sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu bệnh hại trên nhóm đối tượng cây trồng này.

Thâm canh cây hoa cúc theo hướng bền vững, gia tăng giá trị thu nhập ở Hưng Yên. Ảnh: H.Tiến.

Thâm canh cây hoa cúc theo hướng bền vững, gia tăng giá trị thu nhập ở Hưng Yên. Ảnh: H.Tiến.

Điều này khiến không chỉ tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả canh tác, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, nhất là những người trực tiếp sản xuất.

Trước tình trạng nêu trên, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã triển khai mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây hoa cúc tại xã Chính Nghĩa (huyện Kim Động). Đây là mô hình thuộc Đề án “Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025”.

Mục tiêu chính của mô hình giúp các nhà nông đẩy mạnh thâm canh cây hoa cúc theo hướng bền vững, giá trị thu nhập tăng cao.

Kết quả, mô hình đã đạt được thành công ngoài sự mong đợi của nhân dân và chính quyền sở tại. Các loại hoa đưa vào trồng đều cho màu sắc đẹp, độ bền sử dụng cao hơn 2 - 3 ngày so với đối chứng trồng ngoài mô hình, hiệu quả sản xuất cũng tăng 25 - 30%. Đặc biệt đã giảm được gần 50% lượng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh trên cây hoa. Nhờ vậy, môi trường làng quê đã trong lành hơn, người trồng hoa cũng đỡ mệt mỏi hơn sau mỗi ngày lao động...

Dùng bóng đèn điện chiếu sáng cho cây hoa cúc để thúc đẩy sinh trưởng. Ảnh: H.Tiến.

Dùng bóng đèn điện chiếu sáng cho cây hoa cúc để thúc đẩy sinh trưởng. Ảnh: H.Tiến.

Ông Nguyễn Văn Khương (hộ chuyên canh hoa ở xã Chính Nghĩa) vui mừng chia sẻ: Nhà ông trồng 20 sào hoa cúc, gồm 2 sào trong mô hình, 18 sào ngoài mô hình (coi như đối chứng). Cân đối thu chi sau thu hoạch, mỗi sào cúc trong mô hình thu được 30 triệu đồng, cao hơn đối chứng gần 10 triệu đồng (30%).

Các hộ tham gia trong mô hình đã tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) như: Xử lý đất trước khi trồng cây giống (cày phơi ải và ngâm ruộng trong nước vôi); luân canh cây hoa cúc với lúa nước hoặc cây rau muống; gieo trồng mật độ hợp lý (1,4 - 1,5 vạn cây/sào).

Bên cạnh đó, không dùng phân đạm đơn; bón NPK tổng hợp và phân hữu cơ vi sinh cân đối. Tỉa cành, ngắt bỏ lá già, lá sâu bệnh kịp thời. Thu dọn sạch tàn dư thực vật trước và sau canh tác. Dùng màng nông nghiệp phủ đất để khống chế cỏ dại, giữ ấm đất và ngăn ngừa sâu bệnh hại sinh ra từ trong đất.

Bà con cũng thăm đồng kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện và phun trừ sớm khi vết bệnh chớm phát sinh hoặc sâu non mới tuổi 1 - 3. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” và lựa chọn thuốc có tác dụng chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn, ít độc đối với sinh vật có ích và động vật máu nóng...

Dùng màng phủ nông nghiệp che mưa nắng và giữ ẩm đất, chống cỏ dại cho cây hoa cúc. Ảnh: H.Tiến.

Dùng màng phủ nông nghiệp che mưa nắng và giữ ẩm đất, chống cỏ dại cho cây hoa cúc. Ảnh: H.Tiến.

Anh Phạm Văn Tuấn, hộ tham gia mô hình thẳng thắn cho hay: Trước đây anh thường trồng hoa cúc với mật độ dày (1,8 vạn cây/sào). Không xử lý đất trước khi xuống giống. Chỉ chăm bón bằng phân hóa học nên sâu bệnh phát sinh gây hại rất nhiều.

Do đó, anh phải phun thuốc phòng trừ định kỳ 7 ngày/lần, thường dùng thuốc BVTV có phổ tác động rộng, có độ độc cao… rất tốn kém, mệt người mà hoa lại không đẹp. Độ bền hoa cắt cành thấp, giảm giá bán, giảm thu nhập.

“Giảm mật độ trồng cùng với bón lót phân hữu cơ vi sinh và xử lý đất trước khi trồng, sẽ giúp cành hoa mập hơn, cánh hoa dầy hơn, độ bền hoa cắt cao hơn, giảm chi phí thuốc trừ sâu bệnh, tăng giá bán, tăng hiệu quả sản xuất”, anh Tuấn nhấn mạnh thêm.

Ông Trần Văn Đường, một hộ dân tham gia mô hình cũng cho hay: Do chuyên canh hoa hơn 20 năm liên tục, cây cúc trồng ở địa phương xuất hiện rất nhiều sâu bệnh hại như sâu xanh, rệp xanh, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, nhện và các bệnh đốm đen, phấn trắng, gỉ sắt, héo xanh vi khuẩn.

Ngoài ra, hoa còn các bệnh về sinh lý như vàng lá, héo ngọn... Nhà nông không biết phân biệt rạch ròi từng đối tượng gây hại nên cứ thấy cây hoa bị sâu bệnh là mua đủ loại thuốc BVTV, rồi phối trộn trong cùng bình phun định kỳ cho "chắc ăn”.

Không ngờ, đó lại là tai hại, giảm hiệu quả sản xuất, hại sức khỏe mọi người, trước hết là những hộ trực tiếp trồng hoa.

“Với nông dân, trăm nghe không bằng một thấy. Hiệu quả và tác dụng của mô hình khuyến nông cây hoa cúc trên địa bàn rất thuyết phục. Chắc chắn sẽ làm thay đổi tập quán canh tác hoa của địa phương những năm tới”, ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Chính Nghĩa đánh giá.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.