Tỉnh Hòa Bình xác định cây có múi là đòn bẩy kinh tế, tập trung tái canh 6.000ha từ 2021 - 2025, trọng điểm tại huyện Cao Phong nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bền vững.
Tái canh, cải thiện giống nâng cao năng suất, chất lượng cây có múi Hòa Bình
Cây có múi được xác định là một trong những đòn bẩy kinh tế tại tỉnh Hòa Bình. Để phát triển bền vững ngành hàng này, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tái canh và cải thiện giống cây là các nhiệm vụ trọng tâm.Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tái canh 1.500ha cây có múi tại huyện Cao Phong trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm 4.500ha tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, và Lạc Sơn. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Phỏng vấn GS.TS VŨ MẠNH HẢI – Nguyên Phó Giám đốc VAAS:‘Đối với cây có múi, giống cây có múi đặc biệt có tính phức tạp hơn những giống cây trồng khác bởi lẽ phức hệ sâu bệnh hại giống cây có múi rất nhiều và tác hại xảy ra sẽ rất nghiêm trọng. Xuất phát từ 1 trong những nguyên nhân rất cơ bản do vấn đề giống đưa lại như sâu bệnh. Đặc biệt, những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đều lây lan qua con đường giống. Vì vậy trong sản xuất cây có múi kể cả những vùng mới và những vùng truyền thống thì công tác giống cũng cần được ưu tiên 1 cách đúng mức.’
Tuy nhiên, cây có múi tại Hòa Bình đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hòa Bình, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái như hiện nay đó là phát triển ngoài quy hoạch, sâu bệnh nguy hiểm, lạm dụng hóa chất, và thiếu kiến thức canh tác bền vững.
Phỏng vấn Ông NGUYỄN HỒNG YẾN - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hòa Bình:“bây giờ chúng ta có cây cam và cây bưởi được đưa vào danh mục những cây trồng chính. Đã là cây trồng chính thì việc sản xuất kinh doanh cây giống phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, điều kiện cũng giống như kinh doanh giống lúa giống ngô. Một điều nữa là chúng ta đang chưa có tiêu chuẩn về nguồn vật liệu để nhân giống, tiêu chuẩn cây giống đã có rồi nhưng tiêu chuẩn về nguồn vật liệu nhân giống vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện dư thảo. Tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ sớm ban hành để chúng ta có cơ chế quản lý đồng bộ hơn từ vật liệu nhân giống, quá trình sản xuất và kinh doanh giống sau này.”
Tỉnh Hòa Bình đang triển khai các mô hình tái canh thí điểm trên diện tích hơn 13ha, kết hợp phân tích mẫu đất và kiểm tra bệnh hại. Hạ tầng phục vụ tái canh cũng dần được hoàn thiện để hỗ trợ nông dân tốt hơn.Bằng việc đồng bộ các giải pháp từ giống cây, quy hoạch vùng trồng đến xúc tiến thương mại, Hòa Bình kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị cây có múi, góp phần đưa ngành nông nghiệp địa phương tiến xa hơn trên bản đồ nông sản Việt Nam.