Tham luận tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”, GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đề ra 2 phương án cải thiện chất lượng cây ăn quả. Đó là chọn tạo giống tốt và sử dụng gốc ghép khi nhân giống.
Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên
GS.TS Vũ Mạnh Hải cho rằng, với ưu thế của quốc gia dài 3.000km, địa hình đa dạng, nằm trong cả 3 đới khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới, nguồn gen cây ăn quả tại Việt Nam rất phong phú. Nhiều chủng loại và giống đặc sản đã tồn tại lâu đời như: Cam Xã Đoài, cam Soàn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, quýt hồng, sầu riêng Chín Hóa, vú sữa Lò Rèn, dứa hoa Phú Thọ, chuối tiêu hồng, chuối Pôm....
"Đây là nguồn gen đáng quý, vừa trực tiếp tạo ra những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao đóng góp cho sản xuất, vừa là nguồn vật liệu để chọn lọc và lai tạo ra các giống mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường", ông Hải nói.
Với tính chất của cây ăn quả, nhiều giống là cây giao phấn, bản thân nguồn gen hiện tại đã bao hàm các tập đoàn cá thể lai hữu tính và đột biến tự nhiên nên việc chọn lọc các giống bản địa có vị trí rất quan trọng, vừa có ưu thế lai trong một chừng mực nhất định, vừa có tính ổn định cao.
Do đó, ông Hải khuyến nghị củng cố và phát triển hệ thống bảo tồn tài nguyên thực vật, kết hợp việc lưu giữ nguồn gen hạt trong kho lạnh với các hình thức bảo tồn nội vi và ngoại vi. Đẩy mạnh việc điều tra, thu thập nguồn gen cây ăn quả trong cả nước, trong đó ưu tiên nguồn gen bản địa đặc sản và nguồn gen có nguy cơ xói mòn cao.
Song song với việc chọn lọc từ nguồn gen sẵn có, việc tạo các giống cây ăn quả mới với ưu thế về năng suất, chất lượng, tính chống chịu... phải được coi là hướng ưu tiên, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị cho sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Về công tác tạo giống cây ăn quả, GS.TS Vũ Mạnh Hải đề xuất theo 2 hướng: Phương pháp cổ điển, bao gồm lai hữu tính (tạp giao) và tạo đột biến bằng các tác nhân vật lý, hóa học.
Phương pháp lai hữu tính tuy cần thời gian lâu, nhưng ưu điểm là dễ thực hiện và độ ổn định về mặt di truyền khá cao. Do mục tiêu cần đạt khi tiến hành lai hữu tính là tạo ưu thế lai nên các khâu đánh giá và chọn bố mẹ, định hướng các tiêu chí cần đạt của giống mới có ý nghĩa quan trọng.
Trước hết là phân tích quan hệ di truyền các cặp bố mẹ nhằm xác định khoảng cách di truyền hợp lý, vừa tạo được ưu thế lai (hệ số đồng dạng di truyền không quá lớn) lại vừa đảm bảo khả năng lai thành công cao (hệ số đồng dạng di truyền không quá nhỏ)… Tiếp đó là đánh giá con lai để khẳng định sự sai khác về bản chất di truyền.
Phương pháp tạo đột biến yêu cầu về loại vật liệu (cây, hạt...), bộ phận xử lý (cành, rễ, củ...), giai đoạn vật hậu (ngủ hay hoạt động, tuổi non hay già...) và các mức độ tác nhân xử lý để chọn ra ngưỡng có tác động tốt cùng với nguồn thực liệu phù hợp. Đồng thời, phải theo dõi liên tục trong khoảng thời gian tương đối dài, đảm bảo tính ổn định của giống mới trước khi đưa vào sản xuất đại trà.
Trong nhóm cổ điển còn phương pháp tạo giống mới bằng cách chọn lọc cây thực sinh có bản chất gần như phương pháp lai hữu tính. Cách làm là gieo hạt của các cây ưu tú năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi cao... thành tập đoàn, sau đó sàng lọc dần theo thời gian.
Phương pháp này tuy mất thời gian, tương đối tốn diện tích đất và đòi hỏi phải có chiến lược duy trì, theo dõi, đánh giá liên tục nhưng lại có ưu điểm là giống mới có sự ổn định cao và thích nghi tốt với điều kiện môi trường.
Ngoài phương pháp cổ điển, các nhà chọn tạo có thể sử dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học (công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ enzyme…). Tại Việt Nam, các phương pháp tạo giống bằng chỉ thị phân tử đã được áp dụng trên nhiều loài. Với cây có múi, việc nuôi cấy phôi hạt lép được coi là ưu tiên.
Lưu ý ghép trên gốc ghép cùng giống
Nhân giống cây ăn quả là một trong những yếu tố quan trọng giúp sản xuất cây giống tốt hơn và nhanh chóng. GS.TS Vũ Mạnh Hải nhìn nhận, việc sử dụng các phương pháp nhân giống cây ăn quả đúng cách sẽ góp phần nâng cao tính ổn định của vườn quả, tạo nên quần thể, gia tăng tuổi thọ và đem lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng.
Do đó, cây giống đưa vào sản xuất cần có lý lịch rõ ràng, được cung cấp bởi các tổ chức có đủ điều kiện cả về pháp lý và chuyên môn, được nhà nước công nhận và cấp phép, nếu là giống nhập nội phải qua kiểm dịch.
Trong điều kiện Việt Nam, ông Hải chú ý tới việc lựa chọn gốc ghép phù hợp bởi yếu tố này ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng, năng suất, phẩm chất quả, tính chống chịu với sâu bệnh và khả năng thích ứng với các điều kiện bất lợi của thiên nhiên.
"Dù nghề trồng cây ăn quả ở Việt Nam đã có từ lâu, nghiên cứu chọn tạo gốc ghép còn ít được quan tâm, bộ giống gốc ghép được sử dụng còn khá đơn điệu, dẫn đến tình trạng chất lượng vườn cây ăn quả chưa được cải thiện, cây sinh trưởng không đồng đều, thoái hóa nhanh và dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại nguy hiểm, năng suất, chất lượng quả chưa cao", ông Hải bày tỏ.
Trên tổng thể, mục tiêu đối với chọn tạo gốc ghép là: Giống sinh sản vô giao, nghĩa là giống đa phôi, cây làm gốc ghép là cây phôi tâm (vô tính) để đảm bảo sự đồng nhất về hình thái và di truyền; có khả năng cải tiến tăng năng suất cành ghép; thích hợp với nhiều điều kiện đất đai; chịu được tình trạng đất nghèo dinh dưỡng; chống được các loại sâu hại gốc, rễ (tuyến trùng, diaprepes…).
Mục tiêu chọn lọc giống gốc ghép còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng như ăn tươi hay chế biến, tạo sản lượng tập trung hay rải vụ thu hoạch, đối tượng và thị trường tiêu thụ...
Sau khi chọn gốc ghép, cần có sự tương hợp giữa gốc ghép và cành ghép. Nếu không, có thể dẫn đến mắt ghép của tổ hợp ghép bị chết ngay sau khi đưa ra trồng; tổ hợp ghép bị nhiễm virus ở điểm ghép; sự tiếp hợp về cơ giới của điểm tiếp hợp yếu làm cành ghép luôn yếu và dễ gãy và tổ hợp ghép yếu, sinh trưởng kém không phải do sự bất thường ở điểm tiếp hợp mà có liên quan đến sự bất thường của sự phân bố tinh bột.
Tại diễn đàn, GS.TS Vũ Mạnh Hải chỉ ra, ghép trên gốc ghép cùng giống đem lại kết quả tốt hơn cả về sức sinh trưởng, tính chống chịu với sâu bệnh hại của cây ghép và đặc biệt là sự tương tác chặt hơn tại điểm kết nối so với ghép trên gốc ghép khác giống. Nếu đảm bảo được điều này, có thể trồng cây gốc ghép trên vườn, rồi tiến hành ghép.