Toàn huyện An Dương (Hải Phòng) hiện có khoảng 580ha diện tích trồng hoa, cây cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 3 đang được người dân tiến hành trồng rau.
Tái thiết làng hoa, cây cảnh lớn nhất Hải Phòng sau thiên tai
Giữa cánh đồng rộng mênh mông của thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP Hải Phòng) – nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa cây cảnh lớn nhất thành phố Hải Phòng, chị Phạm Thị Lý đang miệt mài cuốc những gốc đào đã khô héo, chuẩn bị đốt bỏ để trồng rau.
Gia đình chị đã gắn bó với nghề trồng đào hơn ba thập kỷ, hàng trăm gốc đào từng tỏa sắc rực rỡ nay chỉ còn là những thân cây trơ trụi, xác xơ. Những gốc đào tiền triệu, từng là niềm tự hào của gia đình chị nay chỉ còn là những cành củi khô, không còn giá trị đang chờ được đốt bỏ để nhường chỗ cho những luống rau kịp vụ Tết.
Phỏng vấn chị Lý:
Tình trạng đào chết hàng loạt do ngập lụt sau bão không chỉ riêng gia đình chị Lý mà còn lan rộng ra các vùng trồng đào khác của các xã, thị trấn của huyện An Dương và một số vùng trồng đào khác của TP Hải Phòng với diện tích lên đến hàng trăm ha.
Thay vì màu xanh mướt, những cánh đồng trồng đào giờ đây trở nên hoang tàn, những gốc đào khô héo nằm rải rác khắp nơi. Nhiều gia đình đang tất bật chặt bỏ những cây đào đã chết, số còn lại cố gắng níu giữ hy vọng mong manh, chăm sóc những gốc đào còn lại.
Phỏng vấn anh Tuấn:
Theo phòng nông nghiệp huyện An Dương, toàn huyện hiện có khoảng 580ha diện tích trồng hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 3. Trong đó, 365ha trồng đào, 80ha trồng quất, 135ha trồng các loại hoa cây cảnh khác bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc.
Riêng xã Đặng Cương ước tính khoảng 70-75% diện tích mất trắng, đến nay đã bị chết, chỉ còn khoảng 15-20% diện tích cây có thể cứu được gốc và chưa đến 10%, có thể bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025.
Hiện tại, một trong những khó khăn lớn nhất đối với người dân là nguồn vốn để tái đầu tư cho vụ sau, nhiều chủ vườn đã dồn hết tâm huyết và vốn liếng vào vườn đào. Để hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất sau bão, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đã có sự quan tâm, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tuy nhiên do bị ngập nhiều ngày, cây cối chết úng, gây khó khăn lớn cho công tác khắc phục.