| Hotline: 0983.970.780

Gượng dậy sau bão Yagi: Tái thiết Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc

Thứ Hai 09/12/2024 , 14:32 (GMT+7)

Gần 3 tháng sau bão Yagi tôi đến đảo Cát Bà, TP Hải Phòng vẫn còn thấy những vạt rừng cây gãy, đổ ngổn ngang, những mái nhà bị bóc đi lớp tôn chống nóng.

Cây cối đổ ngổn ngang trong Trung tâm huyện đảo Cát Bà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây cối đổ ngổn ngang trong Trung tâm huyện đảo Cát Bà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những mái ngói ở trụ sở của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc bị gió thổi bay đến non nửa, những ô cửa kính vỡ ở khắp nơi, có cả một cái quạt trần bị gió vặn xoắn lại như một nụ hoa héo. Cạnh đó là mấy quả đồi trơ gốc cây, lầm đất đỏ lở loét như bị B52 trải thảm. Các dãy nhà xưởng lợp tôn thì bị gió bốc đi đến mức ở bên trong có thể nhìn rõ được cả bầu trời, để trơ lại hàng dãy bể xi măng hay bể nhựa dưới cái nắng hanh hao của mùa đông.

Anh Nguyễn Đức Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu và Sản xuất cá biển cho biết trước lúc bão vào mọi người đã sơ tán xuống hết dãy nhà tập thể mái bằng rất thấp và vững chắc. Dãy nhà đó đã trải qua nhiều trận bão không bị sao ấy vậy mà trước những cơn cuồng phong của Yagi họ vẫn còn run lên cầm cập, nghĩ đến chuyện phải quấn chăn vào người để đề phòng kính rơi.

Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 làm chủ đầu tư được xây dựng vào năm 2003 trên diện tích hơn 200.000m2 gồm nhiều hạng mục đồng bộ và hiện đại hồi ấy như trạm bơm nước biển, nhà lọc nước mặn, xưởng kích cá đẻ, xưởng ươm cá bột, khu nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá biển...

Mỗi năm đơn vị cung cấp số lượng lớn giống cho các vùng miền để nuôi thành thương phẩm các loài cá cho giá trị kinh tế cao, phù hợp cả thị trường trong nước và xuất khẩu như cá song, cá mú, cá giò, cá nhụ, cá vược, cá hồng vằn, cá chim vây vàng...

Những dãy nhà xưởng bị tốc mái vẫn chưa được thay thế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những dãy nhà xưởng bị tốc mái vẫn chưa được thay thế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà xưởng không thể di chuyển được nhưng các loại cá giống cỡ vừa 7 - 8cm trước đó anh em Trung tâm đã mang ra Móng Cái, Quảng Ninh gửi trong một cơ sở rất vững chắc nên an toàn, nhưng số đó chỉ chiếm cỡ 10%, còn cá giống cỡ nhỏ, đàn đông tới 70 - 80 vạn con không thể di chuyển được vẫn phải để trong ao. Trận mưa lớn do bão Yagi khiến nước từ trên đồi chảy xuống cuốn theo lá cây, cành cây cùng với đất đá bịt kín các cống nối vào ao. 70 - 80 vạn con cá giống cỡ nhỏ thiếu oxi bị chết hết, nổi lên thành từng đám lớn. Điện trên đảo lúc đó mất tới 20 ngày, máy nổ dù có nhưng đơn vị cũng không dám vận hành bởi dây điện đã bị đứt ngầm ở nhiều chỗ, rất nguy hiểm.

Cả đảo Cát Bà cây cối đều tan hoang, nhiều công trình bị hư hại nên không thể thuê người dọn mà 20 người từ giám đốc xuống người lao động đều phải cầm cưa để mở lối đi, bê tôn, dọn các thanh sắt bị gió thổi bay xuống bằng đôi bàn tay trần. Mãi về sau họ mới thuê được người, thuê được máy để vào dọn dẹp.

1/3 cán bộ, công nhân của Trung tâm gốc địa phương, còn 2/3 gốc các tỉnh, thành mà xa nhất là tận Hà Tĩnh. Bình thường mỗi tháng họ xin gộp phép nghỉ 4 - 5 ngày để về nhà nhưng sau bão Yagi ai cũng muốn đóng góp công sức của mình vào cho đơn vị.

Bên trong một dãy nhà ươm giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên trong một dãy nhà ươm giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi hỏi về việc tái thiết sản xuất, anh Tuấn trả lời kinh phí Nhà nước thì không có nên chỉ trông vào nội lực, dọn dẹp sơ sơ, sửa chữa kiểu vá víu để 70% các xưởng có thể đưa vào hoạt động.

Bên cạnh những dãy nhà xưởng cũ kỹ bị hư hại khá nặng ấy tôi thấy một bộ khung nhà xưởng mới, nước thép sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hỏi ra mới biết đang có một dự án của Hàn Quốc giúp Trung tâm nâng cao năng lực sản xuất giống nhuyễn thể bằng việc xây dựng khu nhà màng che phủ 10 cái ao, mỗi cái rộng 500m2 nuôi giống hàu Thái Bình Dương. Hiện công việc lắp khung đã được các chuyên gia Hàn Quốc thực hiện khoảng 70%, sau đó sẽ lợp mái.

Khu nuôi hàu thích ứng với biến đổi khí hậu đang được hình thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu nuôi hàu thích ứng với biến đổi khí hậu đang được hình thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Tuấn giải thích: “Trước đây đơn vị tôi sản xuất giống nhuyễn thể ở ngoài trời, mỗi năm chỉ được 3 - 4 tháng nhưng nay với hệ thống bể có mái che này có thể sản xuất được quanh năm. Để thích ứng với bão gió, mái không được lắp cố định vào khung mà bằng nylon có thể thu lại được, lúc đó thì dù gió có thổi cũng chỉ là qua cái nhà trống nên rất an toàn. Trong nhà có hệ thống nâng nhiệt độ bằng than để có thể tăng nhiệt khi mùa đông nhưng mùa hè có thể bung mái ra để che lưới đen tránh nóng. Ngoài ra còn có nhà phụ trợ nuôi tảo làm thức ăn cho hàu. Tất cả tạo thành một vòng tròn sản xuất khép kín, đồng bộ”.

Về lâu về dài nhà xưởng phải được làm theo hướng kiên cố chống được bão cấp 11-12, hệ thống điện ngầm hóa đã 20 năm phải được thay thế sao cho an toàn khi hoạt động, không chỉ với máy móc mà còn với cả tính mạng con người.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...