| Hotline: 0983.970.780

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Thứ Tư 11/12/2024 , 08:54 (GMT+7)

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khu vực bảo tồn, lưu giữ gen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu vực bảo tồn, lưu giữ gen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chạy từ cảng ra chừng 15 phút cuối cùng tôi cũng thấy ở đằng xa, nổi trên mặt biển xanh thẫm là từng dãy ô lồng nuôi cá, cao cao trên nóc chòi là một lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

Mấy con tàu du lịch đang cập vào bè, “đổ” khách Tây lên đây để họ trải nghiệm hoạt động cho cá ăn. Những con song vua to lớn như những quả thủy lôi bơi lừ đừ, ăn từ tốn nhưng những con cá giò, cá song lai thì tranh nhau thức ăn mới rời tay người, quật nước rầm rầm khiến khách tham quan bật cười, thích thú.

Trong khi nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản của Cát Bà bị sóng đánh tan tác thì ở khu vực Tai Kéo này đàn cá bố mẹ quý hiếm của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc vẫn bình yên vô sự.
Khi chọn đây làm địa điểm nuôi giữ giống thì các nhà khoa học đã khảo sát kỹ lưỡng về dòng chảy, độ sâu, độ sạch và đặc biệt là độ an toàn qua các cơn bão lớn.

Mới đây, sau khi di dời các lồng bè của dân ra khỏi vịnh, chính quyền huyện Cát Hải, TP Hải Phòng đã dự kiến di dời các lồng bè của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc sang khu vực hang Múa của xã Gia Luận nhưng chưa thực hiện vì thiếu thủ tục. Đó cũng là điều may bởi nếu không toàn bộ các lồng bè chứa đàn cá bố mẹ quý hiếm này đã bị bão Yagi xóa sổ.

Khách nước ngoài đến trải nghiệm hoạt động cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khách nước ngoài đến trải nghiệm hoạt động cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đỗ Đức Khanh phụ trách khu bè kể, năm nào trước bão cũng phải gia cố lại các ô bè nhưng trước cơn cuồng phong như Yagi thì mọi người chuẩn bị có kỹ hơn. Bình thường họ thả 30 cái neo, lúc đó phải thả thêm 5 cái neo lớn nặng cỡ 100kg, đồng thời buộc thêm hơn 10 dây chằng cỡ lớn nối thẳng vào núi. Các ô bè được chằng vào thành một khối liên hoàn, các ốc vít trên đó được siết chặt lại. Ngay cả các mái chòi cũng được chằng bằng dây rồi phủ lưới lên trên để giữ. Tất cả những công việc đó được chuẩn bị trong 5 ngày rồi mọi người vào UBND xã Việt Hải để tránh trú.

Lúc nghe gió hú ào ào, cây bên ngoài đổ ầm ầm, mái tôn bay rào rào, điện mất, liên lạc mất thì ai nấy đều thấy lo cho sự an nguy của khu bè ngoài biển. Họ chỉ còn bám vào tia hi vọng mỏng manh là tất cả các cơn bão lớn, bão nhỏ trước đây đều tránh khu vực Tai Kéo này ra. Khi bão vừa tan là họ lái cano ra ngay bè, thấy chúng vẫn còn nguyên thì mừng vui khôn xiết.

Tất cả thiệt hại chỉ là 3/7 cái mái chòi bị tốc, một số khung bè cũ bị bật phao xốp. Bình thường mỗi ngày đàn cá được cho ăn một bữa nhưng nếu ở thời kỳ nuôi vỗ sinh sản thì cho ăn 2-3 bữa. Lúc đó, do mất điện, lượng cá dự trữ trong tủ đá ở trên bờ cũng hỏng hết, phải 3-4 ngày sau tàu đánh bắt mới hoạt động trở lại, đàn cá mới được cho ăn.

Do sóng to lúc bão nên một số con cá cọ sát vào ô lưới xây xát, lở loét và lác đác chết. Các nhà khoa học lại phải bắt chúng lên để tắm sát trùng, chống viêm rồi bổ sung vitamin, thuốc bổ và cho ăn đồ tươi để phục hồi sức khỏe.

Con cá song vua nặng 100kg. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con cá song vua nặng 100kg. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phạm Văn Thìn giới thiệu bằng giọng đầy tự hào với tôi rằng nơi này đang bảo tồn 15 giống cá quý như cá song vua, cá song chuột, cá song da báo, cá hồng vằn, cá chim, cá nhụ, cá bè vẫu... Trong những loại đó cá hồng vằn, cá song chuột gần như quanh đảo chẳng đâu có. Nếu như cá bè vẫu ưa hoạt động nên khi vận chuyển dễ bị chết thì cá song vua do trọng lượng khổng lồ và ít hoạt động nên lại khó đẻ. Mỗi lần thao tác kích thích sinh sản, các nhà khoa học phải chuốc thuốc mê cho chúng rồi nhẹ nhàng vuốt trứng, vuốt tinh.

Con cá song vua nặng kỷ lục tới 100kg này đã hơn 20 tuổi, lên chức cụ kị từ lâu vì khai thác sinh sản tới hơn 10 năm trời và vẫn còn đang tiếp tục. Tinh trùng của nó được phối với trứng của cá song hổ cho ra cá song lai, vừa khỏe mạnh, lớn nhanh như bố, vừa thịt thơm ngon, bổ dưỡng như mẹ. Khi cá đẻ, trứng được nhanh chóng vận chuyển vào bờ, giao cho phòng Nghiên cứu và Sản xuất cá biển để từ đó hàng vạn, hàng chục vạn con cá giống sẽ cung ứng cho các tỉnh nuôi thành cá thương phẩm.

Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc đặt cơ sở nuôi tại khu Tai Kéo này đã khoảng 20 năm nhưng theo các nhà khoa học, trước đây môi trường nước sạch hơn, bão gió nhỏ hơn, nay biến đổi khí hậu khiến thiên tai thì khắc nghiệt, dịch bệnh thì nhiều, có những bệnh làm cho con cá chết tươi nhưng không có biểu hiện gì bất thường, rất khó chữa trị. Để thích ứng với những hiện tượng bất thường khó lường ấy, anh Thìn ước ao được thay thế các ô lồng nuôi gỗ bằng lồng nuôi HDPE cho thêm chắc chắn trước bão gió.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...