Những vườn táo mọc lên từ đồng muối
Khách lạ đến tổ dân phố Đồng Tiến 2 (Bàng La, Đồ Sơn, Hải Phòng) hỏi anh Dũng (nguyên Bí thư Đảng ủy phường) có thể có người không biết nhưng hỏi anh “Dũng táo” thì ai cũng biết. Trước hiên ngôi nhà nhỏ nằm chính giữa vườn táo, chúng tôi ngồi nói chuyện trong mùi hương đưa thoang thoảng và tiếng của đàn ong rù rì đi kiếm mật, tiếng của đàn chim sâu lích chích tìm mồi tạo nên một cảnh bình yên đến thoát tục.
Trời sập tối lúc nào chẳng hay biết. Anh Dũng cầm đèn pin ra vườn một hồi mót được mấy quả táo còn sót lại sau bão Yagi của vụ hè, chọn một quả có vết chim ăn rồi mời tôi: “Con chim khôn lắm, nó chọn quả nào để ăn là ngon quả đó”. Tôi cầm quả táo đưa lên miệng cắn nghe đến cốp một cái giòn tan, rồi cảm nhận đủ năm vị đang thấm dần vào lưỡi mình.
Trước đây Bàng La chỉ có những cánh đồng muối trắng, lịch sử cây táo muối mới hơn 40 năm nay. Ông Nguyễn Quang Phát công tác cùng với bố anh Dũng ở Chi cục muối Hải Phòng lúc đó có đưa giống táo Gia Lộc của Hải Dương về ghép trên gốc táo dại rồi trồng trong vườn nhà. Dần dà, thấy táo ngon cả làng đã xin ông giống, không chỉ trồng trong làng mà còn trồng ở những ô cồn phơi muối. Không ngờ, nắng nhiều, gió nhiều và độ mặn của đồng muối đã lặn vào trong thịt quả để dâng cho đời một thứ đặc sản có vị chua rôn rốt, ngọt nhẹ, đằm mặn mặn và giòn thơm khó có thể trộn lẫn. Từ đó táo trở thành một cây trồng chủ lực của Bàng La.
Bình thường táo chỉ có một vụ xuân nhưng anh Dũng sáng tạo ra hai vụ xuân hè từ sự áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Sách vở vẫn dạy rằng, thu xong táo phải đốn đau đến tận gốc để cây tạo khung mới, ra cành lá và hoa quả, nhưng anh Dũng lại không đốn tận gốc mà chỉ đốn phớt nên cây không cần tạo lại cành mới ra được mùa quả thứ hai vào vụ hè. Lúc này quả táo trở thành thứ hàng hóa hiếm có khó tìm khiến ai cũng phải ước ao. Hiện trong phường ngoài anh đã có 4 hộ khác làm theo kỹ thuật này.
Tạo giàn chống đổ cho cây táo muối trước gió bão
Không chỉ thế anh còn là người tiên phong tạo giàn cho cây táo muối Bàng La. “Phường hiện có khoảng 900 hộ trồng táo với tổng diện tích 120ha, mỗi năm đem lại khoản thu 40-50 tỷ đồng nên mất mùa táo là mất ổn định xã hội ngay. Cơn bão số 8 năm 2012 gây rụng hết táo đang sắp đến kỳ thu hoạch của người dân Bàng La khiến tôi lúc đó là lãnh đạo phường rất trăn trở, suy nghĩ cách khắc phục bão gió. Tình cờ vào mạng thấy trong Ninh Thuận có kỹ thuật làm giàn cho táo, nghĩ là sẽ chống được bão gió nên tôi mới vào đó để thăm. Tôi hỏi tại sao trong này không có gió bão mà phải làm giàn cho táo thì họ trả lời đó là tận dụng những giàn nho cũ và thấy cho năng suất cao hơn hẳn. Vậy là từ đó tôi mang kỹ thuật làm giàn cho táo về quê mình.
Lúc đầu áp dụng cả làng đều cười, ngay cả người nhà cũng bảo không được đâu nhưng tôi vẫn đầu tư 300 triệu để thiết kế giàn, lưới che cho hai vườn táo có tổng diện tích 6.000m2. Nhờ đó mà chủ động được hai vụ táo. Nông nghiệp cứ làm được trái vụ là thắng. Táo ở trên giàn được tráng nắng, tráng gió nên năng suất cao, chất lượng tốt hơn. Thêm vào đó làm giàn còn hạn chế sự ảnh hưởng của bão. Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh cau đổ vì gió thế mà cơn bão Yagi khiến hàng cau trong vườn phải đổ rạp. Những vườn táo của nhà khác bị gió thổi, cành nọ đập vào cành kia dập nát hết, thậm chí còn lật cả gốc nhưng giàn táo của nhà tôi không bị ảnh hưởng mấy”.
Cách làm khung giàn của anh Dũng cũng rất sáng tạo khi ở trong Ninh Thuận làm bằng gỗ thì anh lại làm bằng cọc bê tông. Chỉ cần hai cái cọc cắm vững chắc ở hai đầu luống thế là đủ căng các dây thép 4 ly dài đến cả trăm mét cho táo bám vào. Anh lại còn kỳ công “mắc màn” cho táo bằng cách dùng các cọc tre tạo thành bộ khung rồi trùm lưới lên toàn bộ giàn táo, tránh ruồi vàng và các loại sâu bệnh hại quả nên không cần phải phun thuốc BVTV.
Việc trùm lưới này cũng góp phần giúp hạn chế gió, mưa trực tiếp tác động vào cây táo, quả táo và tạo cảnh quan thông thoáng để người có thể đi bên dưới được, rất phù hợp cho việc kết hợp làm du lịch sinh thái. Nhờ vậy mà có những ngày hè hàng ngàn khách kéo đến vườn táo của anh Dũng để tham quan. Tuy chưa bán vé nhưng anh lại bán được rất nhiều táo, đem lại khoản lãi mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Anh ấp ủ với tôi về định hướng thành lập HTX nuôi ong để vừa bảo vệ môi trường vừa cuối mùa có thêm sản phẩm mật hoa táo, giúp gia tăng giá trị. Hiện táo muối Bàng La đã có chỉ dẫn địa lý, được chứng nhận OCOP 3 sao, trở thành một sản vật tự hào của người dân Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Thiệt hại hại gây ra do bão Yagi cho phường Bàng La nhiều tỷ đồng nhưng hiện đã 3 tháng rồi vẫn chưa có sự hỗ trợ cho việc tái sản xuất nông nghiệp