Song song với việc trồng mới, tỉnh Trà Vinh còn thực hiện trồng xen cây đước nhằm làm giàu rừng tại các khu vực bãi bồi, góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trồng xen hơn 110ha cây đước tăng đa dạng hệ sinh thái rừng ngập mặn
Trồng xen 110ha rừng làm đa dạng loài thủy sản
Rừng phòng hộ không chỉ là lá chắn bảo vệ tài sản và tính mạng con người trước những cơn cuồng phong, bão lớn, mà còn là nguồn dinh dưỡng quan trọng, hỗ trợ sự phát triển đa dạng các quần thể sinh vật ở cửa sông ven biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động tiêu cực từ tự nhiên và con người đã khiến diện tích rừng ngập mặn trên cả nước suy giảm nghiêm trọng. Tại Trà Vinh, dù có đường bờ biển dài, nhưng tỷ lệ che phủ rừng chưa đến 5%, với khoảng 30ha rừng bị sạt lở mỗi năm và tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Tâm, Kiểm Lâm huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất diễn ra ở các cồn mới nổi, do triều cường làm mất rừng. Hiện tại, khu vực như cồn Bàn và cồn Nạng đang bị sạt lở nhiều, với khoảng 45ha rừng bị mất trong những năm gần đây.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, Trà Vinh đã triển khai kế hoạch trồng mới 469ha rừng trong năm 2024, bao gồm các dự án trồng rừng thay thế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đặt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 4,5% vào cuối năm 2025. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thực hiện trồng xen 111ha rừng phi lao, nhằm làm đa dạng hệ sinh thái dưới tán rừng, góp phần tạo sinh kế cho người dân ven biển thông qua hoạt động đánh bắt thủy sản.
Ông Đặng Văn Sơn, ấp 3, xã Mỹ Long Nam: Việc trồng rừng này mang lại nhiều lợi ích, giúp bồi đắp sông biển và tạo điều kiện cho thủy sản sống, như cá và tôm, để người dân có thể đánh bắt.
Ông Lê Văn Tâm, Hạt Kiểm Lâm huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Năm nay, chúng tôi thực hiện hai dự án: một là trồng rừng thay thế với diện tích 8ha, hai là trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu với diện tích 10ha. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng xen cây đước đôi trên 110ha dưới tán rừng hiện có. Việc trồng rừng này giúp làm giàu hệ sinh thái, tạo nơi trú ẩn cho tôm cá và tôm cua, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con sinh sống dưới tán rừng.
Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn là việc cấp bách để bảo vệ môi trường bền vững. Vì vậy, mỗi cá nhân và tổ chức cần chung tay bảo vệ rừng, nhằm duy trì hệ sinh thái biển và bảo vệ tài sản cũng như tính mạng của chính mình.