| Hotline: 0983.970.780

Mất 2 năm để phục hồi 170.000ha rừng bị bão tàn phá

Thứ Ba 24/09/2024 , 17:38 (GMT+7)

Với 170.000ha rừng bị thiệt hại, cơ quan chuyên môn ước tính cần khoảng 2 năm để phục hồi các hoạt động sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản tại khu vực phía Bắc.

Những thiệt hại không thấy được bằng mắt

Với khoảng 370.000ha đất có rừng, Quảng Ninh nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng (khoảng 55%). Bên cạnh việc tổ chức giao đất, giao rừng cho người dân, cộng đồng dân cư, tỉnh còn tập trung trồng mới và bổ sung hàng trăm hecta rừng ngập mặn mỗi năm, trở thành địa phương có diện tích trồng rừng ngập mặn lớn nhất khu vực phía Bắc.

Khoảng 110.000ha rừng ở Quảng Ninh bị thiệt hại sau bão số 3. Ảnh: Tiến Thành.

Khoảng 110.000ha rừng ở Quảng Ninh bị thiệt hại sau bão số 3. Ảnh: Tiến Thành.

Tuy nhiên, điều đó đã trở thành quá khứ sau bão số 3. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Duy Văn cho biết, chỉ khoảng 1/4 diện tích rừng trồng của tỉnh còn nguyên vẹn (khoảng 10.000ha). Một số công ty lâm nghiệp thiệt hại nặng, như Tiên Yên không còn cây nào lành lặn, Ba Chẽ chỉ còn hơn 100ha rừng.

Để có được nguồn cung gỗ và lâm sản như hiện tại, Quảng Ninh cần khoảng 10 năm. Nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua, khoảng 110.000ha rừng bị thiệt hại. Nguy hiểm hơn, hạ tầng giao thông bị tê liệt khi 11/13 hệ thống vận chuyển dăm lên cảng bị bão phá tan hoang khiến tàu khó vào vận chuyển.

Cùng với việc giá nguyên liệu giảm, Quảng Ninh còn đối mặt nguy cơ suy giảm tỷ lệ che phủ rừng. Nếu số liệu điều tra những ngày tới khẳng định ước tính ban đầu, ông Văn dự báo, tỷ lệ che phủ của tỉnh sẽ giảm hơn 10%, nghĩa là quay về thời điểm những năm 1990.

“Thiệt hại có lẽ sẽ tăng bởi nhiều diện tích trồng rừng ngập mặn đã bị sóng đánh trôi và xô đổ cây nhưng cơ quan chức năng chưa tiếp cận được hiện trường để đánh giá vì mưa lũ và thuỷ triều dâng cao”, ông Văn nói và phỏng đoán rằng, con số cụ thể thiệt hại còn tăng.

10% cũng là ước tính của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang Từ Quốc Huy, khi được hỏi về ước tính suy giảm độ che phủ rừng. Theo lời ông, tính đến ngày 23/9, cơ quan chuyên môn đã xác định khoảng gần một nửa trong tổng số hơn 100.000ha rừng trồng của tỉnh bị thiệt hại do mưa bão. Riêng phần diện tích bị thiệt hại trên 70% lên tới 14.000ha.

Một số huyện miền núi như Sơn Động, Lục Ngạn bị thiệt hại nặng nề. Đến tận ngày 23/9, tình trạng sạt lở đất, gây thiệt hại về rừng, nhà ở, công trình, hạ tầng vẫn tiếp diễn ở các địa phương này. Cá biệt, một số khu dân cư tại xã An Bá, Tuấn Đạo, Yên Định (huyện Sơn Động), người dân trong cảnh nơm nớp vì xây nhà dựa lưng vào núi.

Các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, hiện vật giúp người dân ổn định sản xuất sau mưa lũ. Ảnh: Bảo Thắng.

Các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, hiện vật giúp người dân ổn định sản xuất sau mưa lũ. Ảnh: Bảo Thắng.

Vị Chi cục trưởng cũng nêu một thông tin buồn, là giá gỗ nguyên liệu đã giảm khoảng 370.000 đồng/tấn so với thời điểm trước khi bão số 3 xảy ra. Tính bình quân, các chủ rừng tại Bắc Giang đã thất thu gần 50 triệu đồng/ha.

“Con số 26.000ha rừng bị thiệt hại như trong báo cáo chắc chắn không phải thống kê cuối cùng”, ông Huy chia sẻ. 

Quảng Ninh, Bắc Giang là 2 tỉnh bị thiệt hại rừng nhiều nhất do bão số 3, theo thống kê của Cục Lâm nghiệp. Tính đến ngày 23/9, Cục xác định 13 tỉnh, thành phố có thiệt hại về rừng, với tổng diện tích khoảng 170.000ha (chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt).

Ngoài ảnh hưởng vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng thiệt đơn, thiệt kép. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thống kê, các doanh nghiệp trực thuộc đã bị "bốc hơi" khoảng 130 tỷ đồng do nhà xưởng bị hỏng, sản phẩm bị cuốn trôi, máy móc hư hỏng. Chi hội Viên nén gỗ cũng mất trắng 70 tỷ đồng. Con số này với Chi hội Dăm gỗ là trên dưới 310 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo dự báo về nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu trong những năm tới. Ông phân tích, với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước sau bão số 3 sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Nguyên nhân bởi các diện tích bị gãy đổ do bão phải chờ 5-7 năm mới khai thác được. 

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là 15,2 tỷ USD, vì thế, là một thách thức lớn cho toàn ngành. "Để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3, cần thu hút nhiều hơn các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản", ông Bảo nói.              

Rừng trồng tại huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Quỳnh Hương.

Rừng trồng tại huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Quỳnh Hương.

Linh hoạt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành

Vừa qua, Cục Lâm nghiệp đã ban hành công văn số 1339/LN-PTR hướng dẫn địa phương khắc phục thiệt hại về rừng do bão số 3. Trong đó, lưu ý các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung để phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng.

Cục cũng hướng dẫn các bước xác định diện tích rừng bị thiệt hại theo cả 2 cách, là truyền thống và sử dụng công nghệ. Dù vậy, việc cắm mốc theo phương pháp truyền thống gặp hạn chế vì nhiều điểm bị sạt, lở, giao thông khó khăn; trong khi áp dụng máy định vị GPS hoặc drone cần thêm thời gian để đồng bộ dữ liệu.

Trước những khó khăn kể trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị hiệp hội, ngành hàng phối hợp giải quyết vấn đề trước mắt là thu mua các cây đổ, gãy của rừng trồng làm nguyên liệu chế biến, nhất là sản xuất dăm.

"Tôi biết các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch này", ông nói và khuyến cáo thêm, nên có kế hoạch chuẩn bị gỗ nguyên liệu cho chế biến thời gian tới, nhằm giảm áp lực lên nguồn cung đầu vào. Một số giải pháp như tăng thu mua gỗ rừng trồng từ địa phương không bị bão số 3, giảm xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra nước ngoài...

Trong dài hạn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu thống kê chi tiết, chính xác diện tích rừng bị thiệt hại. Đây là cơ sở để xây dựng mức đền bù, hỗ trợ cho người trồng rừng, cũng là cách để lên sớm kế hoạch cho việc nhân giống, trồng rừng, bảo vệ rừng sớm nhất có thể, khi mà mùa mưa bão vẫn còn kéo dài một vài tháng.

Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả mưa bão, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng địa phương "nên linh hoạt" và "có thể sử dụng nguồn kinh phí từ trồng rừng thay thế". Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, số tiền này lên tới khoảng 300 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc trồng rừng thay thế đã được cả nước quan tâm, đẩy mạnh, nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam vào năm 2050. 

Trên quan điểm tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, pháp luật lâm nghiệp hiện cho phép chủ đầu tư nộp tạm ứng, để nhanh chóng triển khai dự án. Đó cũng là tiền đề cho địa phương có thêm kinh phí, nâng cao hiệu quả trồng rừng.

Kết hợp Nghị định 58/NĐ-CP ban hành hồi cuối tháng 5/2024, khi nâng mức khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng hàng năm lên 500.000 đồng/ha, Thứ trưởng đề nghị cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đi sâu vào từng nhóm đối tượng thực hiện trồng rừng thay thế (ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp, chính quyền cấp xã), đồng thời làm rõ vấn đề trồng tại đâu, kinh phí bao nhiêu, từ đó xây dựng mức hỗ trợ thỏa đáng và phù hợp.

"Với diện tích thiệt hại như vậy, cần có khoảng 300-350 triệu cây giống để trồng lại rừng. Ngoài nguồn giống của Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các địa phương cần chủ động liên lạc với cơ sở sản xuất giống ở các tỉnh khác để chủ động nguồn giống", Phó Giám đốc Trần Lâm Đồng cho biết.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.