| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực hình thành bể hấp thụ Carbon từ rừng ngập mặn Cà Mau của Vinamilk

Thứ Ba 24/09/2024 , 10:18 (GMT+7)

Hơn 50 nhân viên Vinamilk đã cùng tham gia chuyến đi đến Đất Mũi, Cà Mau - nơi doanh nghiệp đang triển khai dự án Cánh rừng Net Zero trong giai đoạn 2023-2029.

Đây là một trong nhiều hoạt động được Vinamilk triển khai hàng năm để tái sinh cánh rừng thành công, hình thành bể hấp thụ carbon hướng đến mục tiêu Net Zero.

Cánh rừng Net Zero Vinamilk nơi Đất Mũi

Ngồi trên thuyền, len lỏi gần một tiếng đồng hồ dưới những tán rừng ngập mặn, gương mặt các thành viên trong đoàn nhân viên Vinamilk đều rạng rỡ, háo hức khi tham gia hoạt động “Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 25ha rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau” năm thứ 2. Đoàn gồm gần 60 thành viên, đến từ các văn phòng, chi nhánh, nhà máy của Vinamilk tại Bắc Ninh, TP.HCM và Cần Thơ.

Đoàn nhân viên Vinamilk cùng thực hiện gia cố, sửa chữa hàng rào khoanh nuôi rừng. Ảnh: Đức Trung.

Đoàn nhân viên Vinamilk cùng thực hiện gia cố, sửa chữa hàng rào khoanh nuôi rừng. Ảnh: Đức Trung.

Anh Nguyễn Chí Cường – Giám đốc Nhà máy Sữa Tiên Sơn (Vinamilk) – cho biết, anh là thành viên trong nhóm phải di chuyển xa nhất, hơn 2.000km từ Bắc Ninh đến Đất Mũi, Cà Mau. Tuy vậy, các thành viên đều rất hào hứng để góp một phần nhỏ vào mục tiêu Net Zero 2050 chung của công ty.

“Nhiều lần đặt chân đến điểm cực Nam của Tổ quốc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được cùng động đội của mình tham gia một hoạt động đầy ý nghĩa – trực tiếp lội bùn, gia cố hàng rào bẫy hạt mắm. Tận mắt thấy những cây mắm đang sinh trưởng bên trong hàng rào đã được các đồng nghiệp góp tay dựng nên cách đây một năm, tôi cảm thấy rất xúc động, hạnh phúc và tự hào”, anh Cường phấn khởi nói.

­Cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Đất Mũi, Cà Mau là dự án phục hồi rừng ngập mặn bằng giải pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, do Vinamilk phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau triển khai từ năm 2023.

Hoạt động nhân viên tham gia tái sinh rừng được Vinamilk thực hiện thường niên để đóng góp cho dự án  Cánh rừng Net Zero. Ảnh: Đức Trung.

Hoạt động nhân viên tham gia tái sinh rừng được Vinamilk thực hiện thường niên để đóng góp cho dự án  Cánh rừng Net Zero. Ảnh: Đức Trung.

Nhờ hàng rào giữ hạt mắm lại trên bãi bồi và hạn chế tác động từ con người, sau một năm, Cánh rừng Net Zero Vinamilk đã được phủ xanh một diện tích rộng lớn bởi hơn 71.000 cây mắm, phát triển tốt cả về số lượng và chiều cao. Nhiều cây đã cao 40-50cm, với mật độ trung bình là 2.500-2.800 cây/ha.

Đa phần các cây đã đâm rễ tua tủa lên khỏi mặt đất, góp phần giữ phù sa cũng như tăng khả năng hấp thụ carbon. Theo bà Huyền Đỗ - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia - rừng ngập mặn không chỉ có khả năng lưu trữ carbon trong thân, lá, rễ… mà còn trong đất (bể trầm tích). Nhờ đó, rừng ngập mặn có khả năng cô lập carbon cao hơn 4-10 lần so với rừng trên cạn, với thời gian lưu trữ có thể lên đến hàng nghìn năm.

Hàng chục nghìn cây mắm con đang dần phủ xanh một diện tích rộng lớn bên trong hàng rào. Ảnh: Đức Trung.

Hàng chục nghìn cây mắm con đang dần phủ xanh một diện tích rộng lớn bên trong hàng rào. Ảnh: Đức Trung.

“Rừng phục hồi bằng phương pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thường có tốc độ hình thành chậm hơn rừng trồng, nhưng có giá trị cao hơn về mặt đa dạng sinh học cũng như khả năng hấp thụ carbon. Tại Cánh rừng Net Zero Vinamilk, điều đặc biệt là rừng khoanh nuôi có tốc độ lắp đầy rất nhanh. Với kết quả này, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ sớm đạt được những mục tiêu mà các bên đã đề ra ban đầu”, ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – nhận định.

Phối hợp tái sinh rừng, hình thành bể hấp thụ Carbon

Bên cạnh tiềm năng to lớn trong việc lưu trữ carbon, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – đánh giá, rừng ngập mặn Cà Mau còn góp phần không nhỏ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển đứng thứ 2 tại Việt Nam, Cà Mau là một trong những tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhưng mỗi năm, tỉnh cực Nam của đất nước vẫn mất đi khoảng 350-400ha diện tích rừng do sạt lở bờ biển.

Từ năm 2020, Cà Mau bắt đầu huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để tái sinh rừng bằng nhiều phương pháp khác nhau. Riêng tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tổng diện tích đã tái sinh được trong 4 năm qua là hơn 300ha, chỉ xấp xỉ phần diện tích rừng mà tỉnh mất đi hàng năm. Điều đó càng cho thấy cần phải phối hợp hiệu quả hơn, quyết liệt, nhanh chóng và huy động nhiều nguồn lực hơn nữa.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - chia sẻ thêm thông tin về các dự án khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng. Ảnh: Đức Trung.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - chia sẻ thêm thông tin về các dự án khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng. Ảnh: Đức Trung.

“Chúng tôi rất quý trọng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã quan tâm và đóng góp vào quá trình chăm sóc, bảo vệ cũng như phát triển rừng ngập mặn. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng, để bổ sung nguồn lực cần thiết cho các bên có liên quan. Hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục lan tỏa để sự quan tâm này ngày càng nhiều và hiệu quả hơn”, ông Sử nhắn nhủ khi tham gia chương trình khoanh nuôi rừng năm thứ 2 của Vinamilk.

Hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên của Vinamilk tại Cà Mau là một phần của dự án Cánh rừng Net Zero. Với mục tiêu cụ thể là tái sinh 25ha rừng tại khu vực lõi của vườn quốc gia, với khoảng 100.000-250.000 cây phát triển sau 6 năm. Khi hoàn thành, đây sẽ là một bể hấp thụ carbon có trữ lượng ước tính khoảng 17.000-20.000 tấn carbon, tương đương với 62.000-73.000 tấn CO2 tương đương.

Đứng giữa khu vực cánh rừng của Vinamilk, ông Lê Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò của các bể hấp thụ carbon với mục tiêu Net Zero 2050. Ảnh: Đức Trung.

Đứng giữa khu vực cánh rừng của Vinamilk, ông Lê Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò của các bể hấp thụ carbon với mục tiêu Net Zero 2050. Ảnh: Đức Trung.

Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero Vinamilk - cho biết thêm: “Với Cánh rừng Net Zero Vinamilk, chúng tôi không chỉ hướng đến bảo vệ môi trường hay phục hồi hệ sinh thái, mà xác định những mục tiêu có thể đo lường được. Ở đây là trữ lượng hấp thụ carbon. Mục tiêu này đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn từ phía doanh nghiệp, sự đồng hành của địa phương, các đơn vị chuyên môn và cả người dân”.

Ngoài dãy hàng rào hiện hữu đang bảo vệ cho khu vực khoanh nuôi, Vinamilk còn phối hợp với Gaia, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát bảo vệ khu rừng; truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương… Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ trong công tác khảo sát, đo lường về khả năng sinh trưởng của khu rừng hàng năm, để làm cơ sở tính toán khả năng hấp thụ carbon trong tương lai.

Doanh nghiệp cùng phối hợp với địa phương tái sinh rừng, giúp phát huy hiệu quả nguồn lực. Ảnh: Đức Trung.

Doanh nghiệp cùng phối hợp với địa phương tái sinh rừng, giúp phát huy hiệu quả nguồn lực. Ảnh: Đức Trung.

Vinamilk được xem là một điển hình về phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay và tiên phong công bố lộ trình hướng tới Net Zero vào 2050. Trong đó, Cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Đất Mũi, Cà Mau là một trong những hoạt động thiết thực của doanh nghiệp nhằm hình thành các bể hấp thụ carbon từ rừng trong tương lai. Trước dự án này, Vinamilk cũng đã triển khai chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” với hơn 1,1 triệu cây xanh được trồng tại 20 tỉnh thành, góp phần giúp Vinamilk trung hòa khí nhà kính cho các hoạt động sản xuất hiện tại…

Xem thêm
Kinh tế xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng

Chiều 7/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Các trường phải đào tạo sao cho sinh viên tốt nghiệp có thể làm được ngay

Chiều 7/12 Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.