Ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Ninh họp, bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3, chỉ đạo khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp.
Hiện tỉnh Quảng Ninh có trên 434.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, độ che phủ đạt gần 55%. Cơn bão số 3 có sức tàn phá lớn, với cường độ rất mạnh đổ bộ vào tỉnh đã khiến 117.311,8 ha rừng trong tỉnh bị hư hỏng, thiệt hại do cây gãy đổ, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu ở rừng sản xuất.
Theo báo cáo từ các địa phương, công tác khắc phục sau bão đang rất khó khăn, nhất là việc thu gom cây rừng gãy đổ do thiếu nhân lực, cung đường vận chuyển sau bão bị sạt trượt, hỏng hóc; giá thu mua giảm, thiếu khu vực tập kết. Đặc biệt, với cây keo, thời gian thu mua kéo dài sẽ không thể bóc vỏ, làm giảm giá trị gỗ; hạ tầng nhà xưởng băm dăm, dây chuyền thiết bị xuất dăm tại các cảng bị thiệt hại nặng nề... Điều này đã gây khó khăn cho việc thu gom, chế biến, tiêu thụ gỗ.
Thông tin về tình hình giá thu mua gỗ keo bị sụt giảm sau bão số 3, bà Phạm Thị Xuân - lãnh đạo Công ty Thái Hưng, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu keo và thu mua gỗ keo tại Cụm công nghiệp Cái Lân cho biết: Với tình hình thiệt hại năng nề về tài sản công trình, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc như trên, hiện nay các doanh nghiệp không còn mặt bằng chứa lượng dăm keo và đang tập trung sửa chữa, khắc phục hậu quả sau bão.
Thời điểm này, lượng xuất khẩu dăm keo sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc cũng bị đình trệ do thiên tai. Bên cạnh đó băng tải, cẩu và các thiết bị khác hư hỏng nặng, tầu chìm và hư hòng, luồng lạch ách tắc và đây là thời gian cao điểm khai thác gỗ tại các nước bạn, do vậy lượng thu mua dăm keo sẽ bị sụt giảm nhiều so với thời điểm trước bão.
Cùng với đó, do diện tích cây keo trên địa bàn tỉnh bị gãy, đổ sau bão là rất lớn, số lượng keo non, keo kém chất lượng nhiều, nên dẫn đến việc giá thu mua gỗ keo bị giảm…
Bà Xuân khuyến cáo bà con nhân dân cần khai thác triệt để diện tích keo bị gãy đổ hoàn toàn; chủ động khắc phục, phục hồi các diện tích keo ngả, không bị gãy đổ; khi khai thác phải bóc trắng vỏ keo, thực hiện phân loại nhóm keo theo độ tuổi… để các cơ sở doanh nghiệp sẽ thu mua gỗ theo đúng giá thị trường, tuyệt đối không ép giá người dân trong bối cảnh khó khăn chung. Bà Xuân cũng đề nghị nhân dân chia sẻ khó khăn chung với các doanh nghiệp,… đơn vị sẽ công bố bảng niêm yết giá để người dân nắm bắt cùng các doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Tại cuộc họp, trên cơ sở rà soát các thiệt hại, ý kiến, nguyện vọng từ đại diện nhân dân, doanh nghiệp trồng, thu mua, chế biến lâm sản, các đơn vị, sở, ngành đã đề xuất các giải pháp nhằm nhanh nhất khắc phục thiệt hại sau bão, sớm khôi phục sản xuất để ổn định đời sống, sinh hoạt nhân dân như: Áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vụ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; triển khai trồng lại rừng bị thiệt hại; giải pháp khai thác rừng trồng bị thiệt hại; giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng bị gãy đổ...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chia sẻ với những khó khăn của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đánh giá cao ý chí tự lập, kiên cường vượt qua khó khăn, tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, hỗ trợ nhau vượt qua những thiệt hại sau bão.
Ông Huy nhấn mạnh: Rừng không chỉ che chở, bảo vệ người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sự no ấm cho người dân, nhất là khu vực vùng cao. Từ rừng, hàng nghìn hộ dân đã có thu nhập ổn định nhờ trồng các loại cây có giá trị. Vì vậy, để người dân sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất. Chủ tịch Quảng Ninh yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu theo các quy định của Chính phủ và địa phương.
Bên cạnh đó, làm việc với các lực lượng như công an, quân sự, kiểm lâm, tăng cường nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom cho các hộ trồng rừng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa; bố trí các bãi tạm chứa để nhân dân tập kết gỗ khi khai thác mà chưa vận chuyển, tiêu thụ được; thực hiện rà soát, kiểm soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn trong khai thác; tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, ông Cao Tường Huy yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, hỗ trợ tối đa cho người dân.
Ông Huy cho biết thêm, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...
Đây sẽ là động lực mới để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các ngân hàng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.