Để đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, người dân trồng vải thiều bắt buộc phải siết chặt quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những ngày này, về “vựa” vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh từng đoàn xe xếp hàng dài từ sáng sớm để đưa những chùm vải đặc sản đi khắp cả nước. Không khí tấp nập của kẻ mua người bán len lỏi đến từng thôn xóm của bà con. Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang đã phối hợp với Công ty Cổ phần New AG. Technologies Việt Nam hỗ trợ bà con triển khai mô hình sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ tại xã Quý Sơn nhằm tiến tới sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có chứng nhận. Theo ông Mến, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo hướng hữu cơ quả to, ngọt hơn, tỷ lệ quả rụng sinh lý thấp, năng suất cao hơn sản xuất vô cơ, lại không lo khâu tiêu thụ, nhờ được doanh nghiệp bao tiêu.
Băng ông Vũ Văn Mến:
Chuẩn bị vào thu hoạch, đã có doanh nghiệp vào kí hợp đồng rồi. Có bao nhiêu vải loại 1 là bao tiêu hết rồi chứ chưa đến doanh nghiệp thứ 2. Mới 1 doanh nghiệp chúng tôi còn đang lo thiếu sản lượng cho doanh nghiệp đó. Giá đang là 30.000 đồng/kg, cao hơn so với các doanh nghiệp khác.
Về công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang, cho biết, địa phương đã xác định, để mô hình vải thiều hữu cơ phát triển bền vững và hiệu quả, bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để liên kết đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Băng ông Đặng Văn Tặng:
Chúng tôi xác định công tác quảng bá, xúc tiến thương mại là rất quan trọng. Do vậy, ngay từ khi chọn các mô hình hữu cơ chúng tôi đã làm các điều kiện để đủ đáp ứng điều kiện xuất khẩu, ví dụ như là cấp mã số vùng trồng, số hóa vùng sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, những hộ nằm trong vùng xuất khẩu, trước khi xuất khẩu chúng tôi tiến hành lấy mẫu phân tích quả để những mẫu đáp ứng được điều kiện xuất khẩu, mời gọi các doanh nghiệp vào để đồng hành và liên kết bao tiêu sản phẩm, ngay từ đầu vụ chúng tôi đã tích cực mời gọi các doanh nghiệp để kí kết hợp đồng sớm để bà con yên tâm sản xuất.
Trực tiếp tới tham quan vườn vải hữu cơ tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, dưới góc độ là một doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản nhiều năm, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Phạm Gia Thái Bình, đánh giá rất cao quả vải thiều được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Băng ông Phạm Tiến Dũng:
Hiện tại chúng tôi có kết hợp với một số đơn vị doanh nghiệp nhập khẩu bên Nhật Bản với mong muốn đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản bằng hình thức quả vải tươi. Tôi muốn bà con ở Nhật Bản được thưởng thức những quả vải giống như vừa hái ở trên vườn. Với doanh số mà tôi mong muốn, sản lượng để đưa sang thị trường Nhật Bản là từ 5 - 10 tấn/ngày. Tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng và bà con sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp để đưa quả vải sang cho bà con kiều bào của mình ở nước ngoài thưởng thức.
Thực tế cho thấy, những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tiêu biểu như vườn vải hữu cơ tại xã Quý Sơn sẽ góp phần mở rộng, lan tỏa tinh thần sản xuất vải thiều nói riêng cũng như sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung tại vùng vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang theo hướng sinh thái, bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.