Thực hiện Công điện 426 của Thủ tướng về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan báo chí vào cuộc, điều tra phát hiện, truyền thông ngăn chặn gia cầm nhập lậu.
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm cả nước bắt đầu vào con giống để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là lúc giới buôn gia cầm, gà, vịt, ngan nhập lậu tận dụng tối đa cơ hội để kiếm lời.
Các lô hàng gia cầm, con giống 4 "không": không vaccine, không kiểm dịch, không chứng nhận chất lượng, không xuất xứ được chuyển đi khắp vùng miền đến tay các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh 2 "không": Không giấy phép kinh doanh, không Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
6h sáng tại chợ giống gia cầm xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, những xe máy, xe tải chở gà, vịt, ngan giống khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh... ra vào nườm nượp. Số lượng lên đến hàng vạn con.
Không chỉ công khai mua bán ngay trước cửa nhà, thậm chí, các chủ cơ sở này còn đóng đơn hàng cả nghìn con đi các tỉnh. Xe đến chỉ cần nhận hàng, đếm con chết, phân loại gà rồi phân ra các xe tỏa đi các hướng khác nhau.
Hàng vạn con gia cầm buôn bán, vận chuyển trái phép vẫn ngang nhiên xâm nhập vào nước ta, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và mang đến rủi ro cho người chăn nuôi. Các hoạt động này, cả làng, cả xã đều biết. Vấn đề còn lại nằm ở các cơ quan chức năng địa phương.
Giá bán gà đều thấp hơn giá thành sản xuất
Ngoài vấn dịch bệnh thì sức ép đang đè nặng lên những cơ sở chăn nuôi, kinh doanh gia cầm chân chính. Từ năm ngoái đến nay, người chăn nuôi gia cầm, cụ thể là chăn nuôi gà gặp khó khi giá bán đều thấp hơn giá thành sản xuất từ năm ngoái đến nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá bán gà ta suốt cả năm ngoái và quý 1 năm nay đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí tháng 2 và tháng 3. Còn giá gà thịt công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn giá thành sản xuất, dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg thịt hơi.
Thậm chí, từ tháng 2 đến tháng 5, giá bán chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tiếp trong 6 tháng đầu năm. Sang tháng 7, giá gà tăng lên đáng kể, nhưng sau đó lại giảm dần.
Ngành gia cầm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp nước ta, chiếm vị trí thứ hai trong ngành chăn nuôi cả về giá trị sản xuất và tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân. Sản phẩm gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà bước đầu đã xuất khẩu chính ngạch, từng bước khẳng định Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia sản xuất gia cầm hàng đầu của thế giới.
Cơ hội là thế nhưng nghịch lý là chính những hộ gia đình chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kể cả doanh nghiệp gia cầm lớn của Việt Nam lại đang phải chật vật với thị trường, giá cả, loay hoay cạnh tranh với nguồn nhập lậu, trôi nổi mà đánh mất đi cơ hội. Vấn đề đáng suy ngẫm đòi hỏi sự chung tay, trách nhiệm của cơ quan chức năng và những người chăn nuôi.
Cùng trao đổi chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại & dịch vụ Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.