Canh tác hữu cơ không chỉ là câu chuyện của các HTX, đơn vị sản xuất chè quy mô lớn, mà các cơ sở vừa và nhỏ cũng từng bước chuyển đổi, đáp ứng các tiêu chí của tiêu chuẩn hữu cơ.
Vùng chè Thái Nguyên đồng loạt chuyển đổi sang canh tác hữu cơ
Sau thời kì chạy theo sản lượng, hiện nay, các HTX, cơ sở sản xuất chè tại Thái Nguyên đã đồng loạt chuyển đổi sang canh tác an toàn, giá trị cao, từng bước đáp ứng các tiêu chí của tiêu chuẩn hữu cơ.
Đây đã trở thành xu thế và tinh thần chung của cộng đồng sản xuất chè Thái Nguyên. Qua đó, hòa chung với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững của xứ đệ nhất danh trà.
HTX Chè an toàn Nguyên Việt tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, sau 12 năm thành lập, từ chỗ chỉ có 7 thành viên, đến nay có 31 hộ thành viên, với vùng nguyên liệu chè VietGAP trên 30ha. Nhờ chú trọng khâu sản xuất, chế biến nên chất lượng sản phẩm chè của HTX ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.
Nắm bắt xu thế về các sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng, HTX Chè an toàn Nguyên Việt đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên từng bước chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Theo đó, HTX đã giảm hẳn các yếu tố hoá học trong chăm sóc cho cây chè. Thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ… Nhờ vậy, nông dân đã giảm được đáng kể chi phí chăm sóc; cây trồng được hưởng nhờ vi sinh vật phát triển mạnh và đất được bồi bổ chất dinh dưỡng.
Sức khoẻ người trồng chè được bảo vệ nhờ hạn chế tiếp xúc với hoá chất; đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Bà UÔNG THỊ LAN - Giám đốc HTX chè Nguyên Việt, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ
Ghi nhận tại cơ sở sản xuất chè của anh Nguyễn Hà Cương ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, thời điểm đầu chuyển đổi hữu cơ, nhiều hộ tham gia chưa đồng lòng do sản lượng giảm, tốn nhiều công lao động.
Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, thấy mô hình sản xuất chè hữu cơ cho chất lượng cao hơn; giảm chi phí vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lại bảo vệ sức khỏe người trồng nên các hộ đã đồng loạt tham gia.
Mục tiêu của HTX là toàn bộ diện tích chè sẽ được mở rộng và trồng theo hướng hữu cơ trong khoảng 2 năm tới. Đồng thời liên kết với các hộ tại địa phương có nhu cầu, vừa để nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.
Anh NGUYỄN HÀ CƯƠNG - Xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên
Thời gian qua, những mô hình canh tác hữu cơ đã mang lại nhiều hiệu quả cho người dân. Có thể khẳng định, trồng chè theo hướng hữu cơ giúp giá bán nguyên liệu tăng, lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất đại trà.
Đồng thời, bà con vùng chè được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển ngành chè trong thời gian tới.