| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số trên nương chè: Minh bạch chất lượng để tăng giá trị

Thứ Hai 14/10/2024 , 07:00 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Kiểm soát chất lượng, minh bạch thông tin trên phần mềm quản lý chất lượng nông sản giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây chè.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên đề nghị các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cần liên tục cập nhật trông tin trên phần mềm Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên đề nghị các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cần liên tục cập nhật trông tin trên phần mềm Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Tại Thái Nguyên, chè được xác định là cây trồng thế mạnh, trà là sản phẩm chủ lực. Bên cạnh những nông hộ, HTX sản xuất kinh doanh với công nghệ và quy trình tiên tiến, vẫn còn tồn tại một số cơ sở chế biến với thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng chắp vá, chất lượng chưa đảm bảo. Do đó, địa phương rất quan tâm tới công tác quản lý an toàn thực phẩm, nông sản để bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên.

Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng phần mềm quản lý chất lượng nông sản Thái Nguyên với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để quản lý quá trình sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng.

Từ năm 2023 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm.

Phần mềm đã cập nhật, theo dõi, quản lý 7.068 cơ sở (gồm 73 công ty/doanh nghiệp; 384 HTX; 6.612 hộ kinh doanh cá thể (trong đó có 433 tài khoản đã đăng ký sử dụng); 185 vùng sản xuất với tổng diện tích khoảng 1.326ha (chủ yếu vùng sản xuất chè); tạo lập 65 sổ nhật ký sản xuất

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên đánh giá, việc ứng dụng phần mềm trong quản lý sản xuất, chế biến sản phẩm chè đã giúp hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu được các cơ sở cập nhật định kỳ theo tháng, quý, năm; được kiểm tra, đối chiếu với các nguồn số liệu thống kê nhằm đảm bảo chính xác, tin cậy.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Hiện nay, sản phẩm chế biến từ chè của tỉnh Thái Nguyên không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính. Do đó, việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin trên phần mềm quản lý chất lượng nông sản không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm.

Quản lý chất lượng nghiêm ngặt, hiệu quả giúp nâng cao uy tín và giá trị ngành chè Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Quản lý chất lượng nghiêm ngặt, hiệu quả giúp nâng cao uy tín và giá trị ngành chè Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

“Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất cập nhật tài khoản, thông tin sản phẩm. Đồng thời trong quá trình triển khai, vận hành khai thác phần mềm sẽ tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Từ đó, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin của các cơ sở để quản lý theo quy định và người tiêu dùng khi mua hàng cũng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc nông sản với đầy đủ thông tin về sản phẩm”, bà Lê Thị Quỳnh Hương cho hay.

Chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) mong muốn cơ quan chức năng triển khai hiệu quả hơn nữa phần mềm quản lý chất lượng nông sản. Qua đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh không trung thực để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng để nâng cao uy tín cho ngành chè, nhưng lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên cũng nhấn mạnh sẽ không gây khó khăn và tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và nông dân. 

Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu cho 16 vùng trồng chè, 1 vùng trồng cây ăn quả trên hệ thống thông tin mã số vùng trồng; cập nhật dữ liệu, hình ảnh thực tế phục vụ thử nghiệm phần mềm nhận biết sinh vật gây hại trên cây trồng...

Xem thêm
Ngành chăn nuôi tự tin vực dậy, đảm bảo cung thực phẩm cho 100 triệu dân

HẢI PHÒNG Dù ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn sau bão nhưng hoàn toàn có thể vực dậy, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho 100 triệu dân, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.

Bí mật bên trong những chuyến xe chở nội tạng trâu bò, lợn gà

Cơ quan chức năng các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên tiếp phát hiện các vụ việc buôn bán nội tạng trâu bò, lợn gà không đảm bảo vệ sinh thú y.

Khoai sọ nương cho thu nhập 120 triệu đồng/ha

YÊN BÁI Giống khoai sọ bản địa được người Mông ở huyện Trạm Tấu trồng trên các triền núi đá với khí hậu ôn hòa quanh năm, cho chất lượng củ dẻo thơm, giàu dinh dưỡng.

Bình luận mới nhất