Hiện nay, có thể nói livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu và được phổ cập rộng rãi đối với nông dân, hợp tác xã (HTX) thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đây là kênh phân phối rất phù hợp với các HTX chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối thị trường, có lượng khách hàng lớn và không cần quan tâm nhiều đến khâu vận chuyển.
Anh Phạm Thanh Tùng, một người mê trà đang sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: "Trước kia mỗi khi muốn uống trà Thái Nguyên tôi đều phải nhờ người thân mua rồi gửi bằng xe khách, phải canh giờ ra bến xe lấy hàng. Nhưng từ khi các HTX chè bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, chỉ cần ấn nút đặt hàng, sau vài ngày chè được giao tới tận cửa nhà, rất thuận tiện".
Qua thời cứ livestream là bán được nhiều hàng
Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ đến mức bão hòa của việc livestream, làm sao để thương hiệu trà Thái Nguyên trở nên nổi bật, tạo được chất riêng đang là nỗi đau đáu của nhiều thủ lĩnh HTX có hoài bão lớn.
Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc (HTX Thiên Phúc) ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, khoảng 3 - 4 năm trước, cứ livestream là có thể bán được hàng tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiện nay việc tương tác qua phiên livestream trên các sàn thương mại điện tử bị thiếu hụt lượng người tiếp cận.
Hiện nay việc livestream bán hàng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về hình ảnh, kịch bản, sự tương tác… Nhiều lúc HTX thực hiện livesteam gần như toàn bộ thời gian trong ngày để hút khách.
Bên cạnh livesteam, HTX Thiên Phúc cũng thực hiện sáng tạo nội dung số để thu hút người theo dõi trên các trang mạng xã hội.
“Để các sản phẩm sáng tạo nội dung số như video, infographic, chùm ảnh… thật sự chỉnh chu, thu hút lượng tương tác nhờ sự hấp dẫn, đòi hỏi phải có yếu tố kỹ thuật dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh và đồ họa chuyên nghiệp. Với doanh nghiệp thì không khó, nhưng với các HTX còn thiếu nguồn lực thì việc thuê một nhân lực phụ trách mảng này với mức lương từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi tháng là tương đối khó khăn”, chị Bình chia sẻ.
Theo phân tích của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), những yếu tố chính của sự không bền vững trong thương mại điện tử là khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường. Trên thực tế, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa Hà Nội và TP.HCM với 61 địa phương khác rất lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy ở các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu.
Do đó, Giám đốc HTX Thiên Phúc kiến nghị các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ HTX thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ ở lĩnh vực sáng tạo nội dung số.
Xây dựng nội dung số để tăng kết nối
Ngồi nhà chốt đơn là ước mơ chung của rất nhiều nông dân, HTX nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Điều này không dễ, nhưng nếu đầu tư chất xám, thu hút nguồn nhân lực có tâm huyết sẽ không trở nên xa vời, đơn cứ như HTX chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ).
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè La Bằng là người xây dựng và phát triển thương hiệu trà truyền thống của địa phương. Lặn lội đi khắp các diễn đàn, hội chợ quảng bá từ Á sang Âu, bà Hải đúc rút: "Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, chuyển đổi số toàn diện, rất thuận lợi cho nông dân và HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, với trên 30 sản phẩm trà các loại, chúng tôi đều quảng bá trên các sàn thương mại điện tử như Tiktok, Lazada, Voso...".
Để đạt được hiệu quả cao, HTX chè La Bằng đã xây dựng đội ngũ livestream bán hàng, hàng ngày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và chốt đơn trực tiếp trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Từ khi tham gia bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm trà của HTX giao dịch tăng lên từ 15 - 20% so với trước.
Bà Hải cho rằng, để livestream hiệu quả cần xây dựng các nội dung số làm nền tảng. Các nội dung số vừa giúp tạo dựng thương hiệu cho HTX, vừa thu hút lượng người theo dõi ổn định.