| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Ailen tăng cường hợp tác, phát triển bền vững ngành nông nghiệp

Thứ Sáu 07/04/2023 , 15:29 (GMT+7)

Ngày 6/4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi gặp và làm việc với ông Martin Heydon, Quốc Vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ailen về tăng cường và cụ thể hóa hợp tác giữa hai Bộ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gửi lời cảm ơn tới ông Martin Heydon với cương vị đứng đầu Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ailen, đã luôn ủng hộ và giúp đỡ thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước nói chung và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hai nước nói riêng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi gặp và làm việc với ông Martin Heydon, Quốc Vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ailen. Ảnh: Thanh Thanh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi gặp và làm việc với ông Martin Heydon, Quốc Vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ailen. Ảnh: Thanh Thanh.

Ông Heydon đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa ngành nông nghiệp Ailen và Việt Nam, và hoàn toàn tin tưởng sự hợp tác giữa hai Bộ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc phát huy thế mạnh của mỗi nước và bổ trợ lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp. Ailen là nước đứng thứ 2 thế giới về GDP bình quân đầu người (102.218 USD/người năm 2022).

Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (1%) trong GDP nhưng có vai trò quan trọng cho an ninh lương thực (Ailen có chỉ số an ninh lương thực đúng thứ 2 thế giới năm 2022), xuất khẩu (10%) và tạo việc làm trong chuỗi giá trị nông sản (9% tổng lực lượng lao động). Ailen có đồng cỏ tụ nhiên quanh năm nên có điều kiện rất tốt để phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, cừu… Đây cũng là thế mạnh của Ailen để phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật. Ông Heydon bày tỏ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho các sản phẩm chăn nuôi Ailen được tiếp cận thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phía Ailen hợp tác nhằm nâng cao năng lực, đào tạo quản lý nền nông nghiệp hiện đại; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống quản lý thực phẩm nông sản an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc; và thúc đẩy hợp tác về chăn nuôi bò, bò sữa - lĩnh vực mà Ailen đặc biệt có thế mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và ông Martin Heydon ký kết 'Bản ghi nhớ giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ai len về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp'. Ảnh: Thanh Thanh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và ông Martin Heydon ký kết “Bản ghi nhớ giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ai len về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”. Ảnh: Thanh Thanh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm, hiện tại có 480 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào EU (trong đó có Ailen).

Việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU hiện nay đang vướng mắc do EU áp dụng thẻ vàng với ngành khai thác, đánh bắt hải sản của Việt Nam từ ngày 23/10/2017.

Thứ trưởng đề nghị ông Heydon tiếp tục ủng hộ, kêu gọi các nước thành viên EU sớm xem xét tháo gỡ thẻ vàng áp dụng với các sản phẩm khai thác, đánh bắt hải sản của Việt Nam.

Hai bên cần xem xét thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, nuôi sinh thái theo hướng phát triển bền vững, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm truy xuất nguồn gốc hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Hai bên tiếp tục trao đổi về những hoạt động liên quan đến các biện pháp bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm thủy sản có tác động tới thương mại giữa các bên; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác; và chống khai thác IUU.

Bản ghi nhớ giữa hai Bộ sẽ mở ra chương mới trong hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước. Ảnh: Thanh Thanh.

Bản ghi nhớ giữa hai Bộ sẽ mở ra chương mới trong hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước. Ảnh: Thanh Thanh.

Đối với thương mại các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn phía Ailen cung cấp các yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm chế biến của Việt Nam vào thị trường Ailen nhằm tăng cường sản phẩm chăn nuôi giữa hai nước.

Đối với thương mại các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phía Ailen hỗ trợ nâng cao năng lực đối với đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm dịch thực vật; xúc tiến mở cửa thị trường; giám định sinh vật gây hại, đặc biệt là giám định ruồi đục quả bằng sinh học phân tử, quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Tại buổi Hội đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng kêu gọi phía Ailen nâng cao năng lực, đào tạo, trao đổi chuyên gia và sinh viên; trao đổi thông tin về luật lệ và quy định liên quan đến kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản, xuất nhập khẩu giữa hai nước; chia sẻ những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; ủng hộ lẫn nhau tham gia các Diễn đàn quốc tế và khu vực về lĩnh vực phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo; đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu...

Sau buổi hội đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và ông Martin Heydon đã ký kết “Bản ghi nhớ giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ailen về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Hai bên cùng đánh giá rất cao việc ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Bộ, mở ra chương mới trong hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước, hiện thực hóa tiềm năng, thế mạnh để tạo lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp 2 nước, góp phần tích cực vào an ninh lương thực và phát triển bền vững toàn cầu.

Hai bên cũng xem xét thiết lập khuôn khổ cho việc chuyển giao trên cơ sở thương mại về chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ nông nghiệp nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp, thực phẩm. Các dịch vụ này có thể bao gồm kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và phương pháp kiểm tra.

Các vấn đề liên quan đến thú y, buôn bán gia súc, thịt và sản phẩm từ động vật, quản lý dịch bệnh động vật, ghi nhãn sản phẩm động vật, truy xuất nguồn gốc, công nghệ chăn nuôi, chất lượng và an toàn của các sản phẩm sữa, chế biến sữa, đào tạo nhân lực và các vấn đề liên quan khác.

Bản ghi nhớ giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ailen hướng tới việc khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực:

1. Hợp tác trao đổi nguồn gen cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp và thủy sản.

2. Hợp tác về công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.

3. Hợp tác về quản lý chất lượng lương thực và thực phẩm.

4. Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp hai nước về nông nghiệp và thuỷ sản.

5. Thúc đẩy nghiên cứu và các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên gia và sinh viên trong các lĩnh vực liên quan về nông nghiệp.

6. Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, trao đổi thông tin về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở mỗi nước.

7. Thúc đẩy hợp tác giữa các vùng, miền của hai nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

8. Các lĩnh vực hợp tác khác về nông nghiệp mà các bên tham gia cùng thống nhất.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.