Số hóa quản lý tài nguyên rừng
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao sự hỗ trợ và phối hợp của Hàn Quốc trong các chương trình, dự án hợp tác lâm nghiệp với Việt Nam trong thời gian qua, tiêu biểu là Dự án “Phục hồi và quản lý rừng mập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” năm 2022.
Những dự án này không chỉ góp phần phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam mà còn giúp đóng góp chung vào nỗ lực ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng cho biết Hàn Quốc là bạn hàng lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam và nhiều sản phẩm của lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Tập đoàn SK đã bắt đầu thảo luận với các cơ quan phía Việt Nam để thực hiện nội dung tín chỉ các-bon.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh các nội dung hai bên cần trao đổi và xúc tiến hợp tác trong thời gian tới như quản lý rừng bền vững, chuyển đổi số trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng và một số lĩnh vực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Thứ trưởng Lim Sang Seop cho biết, lĩnh vực ứng phó BĐKH và bảo vệ tài nguyên rừng là vấn đề toàn cầu, cần sự chung tay của nhiều quốc gia. Vấn đề hợp tác lâm nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao cũng là nội dung được nhiều quốc gia quan tâm.
Ông Lim giới thiệu, Hàn Quốc đang vận hành hệ thống quản lý tài nguyên rừng bằng chỉ số, số hóa trong hệ thống quản lý rừng được cập nhập liên tục 5 năm một lần. Trên hệ thống này, ngoài những thông tin cơ bản, còn bao gồm các chỉ số về mẫu đất, nhiệt độ đất... phục vụ công tác quản lý cháy rừng, giúp giám sát và theo dõi trực tiếp rừng.
Đặc biệt, gần đây Hàn Quốc rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ rừng và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra nên vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo vệ rừng, ứng dụng công nghệ drone (thiết bị bay không người lái) và trực thăng giám sát ban đêm để ứng cứu nhanh chóng. Dự kiến, Hàn Quốc sẽ xây dựng chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) giám sát 3 ngày một lần phục vụ công tác này.
“Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng thông qua các tổ chức quốc tế có thể chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ bảo vệ rừng với các quốc gia quan tâm”, ông Lim cho biết.
Về vấn đề tín chỉ các-bon, phía Hàn Quốc cho biết sẽ có những tài trợ đa dạng hơn nhằm giảm thiểu khí nhà kính trong khuôn khổ chương trình REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng).
Thứ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đề xuất hai bên cụ thể hóa các chương trình hợp tác vào năm 2024, khi Dự án “Phục hồi và quản lý rừng mập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” bước sang giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, ông Lim đề xuất Việt Nam tích cực tham gia Trung tâm Hợp tác lâm nghiệp Hàn Quốc - Mekong (KMFCC) bên cạnh các thành viên gồm các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Myanmar.
Cụ thể hóa hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết Hàn Quốc và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác lâm nghiệp vào năm 1999. Từ đó, KFS đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án, đồng thời chia sẻ thông tin thực thi pháp luật về nông nghiệp cho cả hai quốc gia.
Phía Hàn Quốc cũng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cán bộ quản lý, nghiên cứu thông qua các chương trình đào tạo sau đại học. Các hợp tác mang lại kết quả tốt cho lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên đã kéo dài hơn 20 năm, theo đó, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất báo cáo Bộ NN-PTNT và Cơ quan KFS cùng rà soát, đánh giá và ký biên bản hợp tác mới mang tính toàn diện hơn trong thời gian tới.
Hiện thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang rất tích cực, ông Nghĩa đề xuất phía Hàn Quốc tiếp tục nâng cao nhận thức về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của hai quốc gia để thương mại hai chiều tiếp tục được củng cố và phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa đề xuất phía Hàn Quốc cụ thể các dự án hỗ trợ Việt Nam và cung cấp thông tin tốt để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ; phát triển rừng, cải thiện giống và trồng rừng ngập mặn, đặc biệt là khôi phục và trồng rừng ngập mặn tại khu vực ven biển.
Phía Bộ NN-PTNT cũng đề xuất kéo dài Dự án “Phục hồi và quản lý rừng mập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” đến năm 2026 và phía Hàn Quốc hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị để duy trì thành quả dự án sau khi dự án kết thúc.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng bên cạnh các hợp tác cấp Bộ, một số dự án cần được đề xuất lên Chính phủ hai bên để nâng tầm hợp tác nhằm huy động nguồn lực và thực thi tốt hơn.
"Về đề nghị tích cực tham gia Trung tâm Hợp tác lâm nghiệp Hàn Quốc - Mekong (KMFCC), Bộ sẽ sớm có ý kiến trên tinh thần sẽ tham gia hiệu quả. Phía Việt Nam sẽ giao Tổng cục Lâm nghiệp và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình hợp tác gồm nhiều nội dung như bảo vệ rừng, chuyển đổi số, tín chỉ các bon, REDD+...”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết.