Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là hoạt động rất quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Năm 2022, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và có một sự tương đồng về văn hóa, về mô hình phát triển mà 2 bên có thể bổ trợ rất tốt cho nhau.
Bộ NN-PTNT ký biên bản thảo luận dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin thủy lợi tổng hợp tại lưu vực sông Mã - miền Trung Việt Nam (tỉnh Thanh Hóa) với Koica. |
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và có rất nhiều hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ NN-PTNT và Tập đoàn PTNT Hàn Quốc đã ký hợp tác dự án quản lý, vận hành công trình thủy lợi, hiện 5 liên hồ chứa vận hành theo công nghệ Hàn Quốc và được đánh giá rất cao. Ngoài ra, tháng 3 tới, Việt Nam sẽ khởi công nâng cấp hệ thống thủy lợi ở sông Lèn, Thanh Hóa, trị giá 100 triệu USD, vốn từ ngân hàng Kexim, Hàn Quốc.
"Sông Mã là 1 trong 5 con sông lớn của Việt Nam, bắt nguồn từ nước ngoài. Việt Na có tổng lượng nước 850 tỷ m3 với 2/3 là từ nước ngoài chảy vào nên khi triển khai được ở sông Mã sẽ làm mẫu cho những con sông còn lại. Thanh Hóa có thể xem như Việt Nam thu nhỏ, vì vậy việc nghiên cứu, áp dụng cho lưu vực sông Mã có ý nghĩa rất lớn để nhân rộng ra các khu vực khác", Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, hiện nay, Việt Nam có khoảng 6.200 hồ chứa lớn với tổng dung tích 15 tỷ m3 cho thủy lợi và 100 tỷ m3 cho thủy điện. Do đó, việc quản lý an toàn hồ đập thông qua các công nghệ mới rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp hy vọng áp dụng công nghệ mới sẽ giúp Việt Nam tăng cường được năng lực quản lý an toàn hồ đập và khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ triển khai một cách trách nhiệm, đẩy đủ các cam kết.
Về phía Hàn Quốc, Giám đốc Quốc gia Koica Việt Nam, ông Kim Jin Oh nói cảm thấy yên tâm khi lãnh đạo của Bộ NN-PTNT, cụ thể là Thứ trưởng Hiệp nắm rất rõ chi tiết của dự án. Theo ông, dự án này được thảo luận, bàn bạc chặt chẽ giữa 2 bên từ năm 2018 và thông qua 2 cuộc khảo sát của chuyên gia 2 nước.
Dự án sẽ kéo dài trong 5 năm, từ 2020-2024 với 9 triệu USD đầu tư từ Koica và ông Kim mong muốn dự án sẽ thành công để sớm nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn quốc.
Giám đốc Quốc gia Koica Việt Nam cho rằng lựa chọn điểm đầu tiên ở Thanh Hóa vì đây là nơi có vị trí địa lý quan trọng, hệ thống sông Mã quy mô lớn và hồ cửa Đạt lớn thứ 2 cả nước.
"Tôi nghĩ rằng, lễ ký sẽ đóng góp một phần vào mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc", ông Kim chia sẻ thêm.
Chia sẻ tại lễ ký, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên của Koica với Tổng cục. Với nhiều nét tương đồng giữa 2 nước, đặc biệt là lĩnh vực thủy lợi, Hàn Quốc đã đào tạo nhiều nhân sự và áp dụng được nhiều công nghệ cao về thủy lợi phù hợp với Việt Nam.
Thông qua dự án này, Tổng cục Thủy lợi hy vọng sẽ làm tốt để nhân rộng ra quy mô toàn quốc và cam kết sẽ thực hiện đúng chất lượng, đẩy nhanh tiến độ so với dự kiến.