| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác phát triển ngành lâm nghiệp đa dụng

Thứ Hai 01/07/2024 , 17:58 (GMT+7)

Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ Bộ NN-PTNT thành lập Trung tâm Hợp tác Lâm nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gặp mặt và làm việc với Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sunghyun. Ảnh: ICD.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gặp mặt và làm việc với Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sunghyun. Ảnh: ICD.

Ngày 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với ông Nam Sunghyun, Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS).

Những kết quả tích cực trong hợp tác phát triển rừng

Trao đổi với KFS, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn những tình cảm, quan tâm hợp tác từ phía bạn. Bộ trưởng kỳ vọng KFS tiếp tục ủng hộ thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước nói chung, hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng, xứng tầm với quan hệ truyền thống tốt đẹp và tiềm năng của hai nước.

Tháng 6/2023, Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp đã đánh dấu mối quan hệ hợp tác vượt bậc giữa hai nước. Qua Bản ghi nhớ, Việt Nam và Hàn Quốc đã xác định, thống nhất những mục tiêu ưu tiên để hợp tác phát triển rừng bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự phối hợp của Hàn Quốc trong các chương trình, dự án hợp tác lâm nghiệp với Việt Nam trong thời gian qua, tiêu biểu là Dự án “Phục hồi và quản lý rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” tại Nam Định và Ninh Bình. Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của nước bạn với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay trên toàn cầu.

Đến nay, dự án đã trồng mới và phục hồi trên 200ha rừng ngập mặn; thiết lập vườn ươm cây giống rừng ngập mặn với diện tích 3ha và bàn giao cho đơn vị chủ rừng đưa vào vận hành và sử dụng. Bên cạnh đó, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho Vườn quốc gia Xuân Thủy, làm cơ sở, định hướng cho chủ rừng quản lý hiệu quả khu vực Ramsar, bảo vệ sinh quyển trong 10 năm tới.

Trong khuôn khổ dự án, các bên liên quan đã thực hiện các hoạt động về phát triển sinh kế cho người dân sống ven rừng, bao gồm phát triển chuỗi sản phẩm mật ong rừng ngập mặn, triển khai các mô hình nuôi trồng thủy hải sản dưới tán rừng…

Các dự án hợp tác bảo vệ và phát triển rừng giữa Việt Nam và Hàn Quốc đem lại nhiều kết quả tích cực. Ảnh minh họa.

Các dự án hợp tác bảo vệ và phát triển rừng giữa Việt Nam và Hàn Quốc đem lại nhiều kết quả tích cực. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng KFS Nam Sunghyun bày tỏ vui mừng vì những kết quả mà dự án đạt được. Ông đề cập thêm đến hợp tác REDD+ (Cơ chế giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam) và tín nhiệm Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện thanh toán cho các nỗ lực giảm phát thải dựa trên kết quả trong chương trình REDD+.

Lãnh đạo Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc ghi nhận kiến nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về hợp tác ứng dụng công nghệ viễn thám trong lâm nghiệp. Công nghệ này sẽ phát hiện sớm sự thay đổi rừng, mô hình hóa cấu trúc rừng, tính toán sinh khối và trữ lượng carbon rừng, phát hiện và giám sát các loài thực vật quý hiếm.

“Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý cháy rừng là điều quan trọng. Hàn Quốc sẽ cân nhắc hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ cao để dự báo, cảnh báo, phát hiện, giám sát chữa cháy rừng. Đồng thời, cải thiện sinh kế thông qua quá trình phục hồi rừng ven biển sẽ giúp cộng đồng ven biển Việt Nam tăng cường sức chống chịu và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nam Sunghyun nhận định.

Một số đề xuất mới

Hiện nay, Việt Nam có trên 14.700.000 ha rừng với độ che phủ hơn 42%, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững và đảm bảo an ninh môi trường. 

Xác định rừng là tài nguyên quốc gia, tư lệnh ngành NN-PTNT chia sẻ với KFS về việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển ngành lâm nghiệp đa dụng, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của rừng trồng. Đặc biệt tập trung trồng rừng gỗ lớn và tăng cường giá trị phúc lợi của rừng cho người dân, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế liên quan đến rừng. 

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất Hàn Quốc hỗ trợ phát triển rừng đa dụng, xây dựng sinh kế rừng bền vững gắn với cảnh quan và du lịch bản địa, tạo giá trị của hệ sinh thái rừng cho phúc lợi công cộng.

Hai Bộ trưởng nhất trí thành lập Trung tâm Hợp tác Lâm nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam. Ảnh: ICD.

Hai Bộ trưởng nhất trí thành lập Trung tâm Hợp tác Lâm nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam. Ảnh: ICD.

Bộ trưởng chia sẻ nội dung dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển lâm nghiệp bền vững và lâm nghiệp phát thải thấp tại Việt Nam” nhằm thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, tăng cường đóng góp của ngành lâm nghiệp cho mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đồng thời nâng cao sinh kế người dân và tạo dòng thu nhập bền vững cho các chủ rừng.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT mong được KFS tư vấn phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng nhằm tạo dựng nền tảng cơ sở cho sự thay đổi chính sách, tăng cường năng lực phát triển thị trường carbon rừng, nâng cao thu nhập cho người dân và các chủ rừng ở Việt Nam; thí điểm cấp tín chỉ carbon rừng ngập mặn; trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở một số địa phương còn quỹ đất.

Để tăng cường trao đổi, hai Bộ nhất trí xây dựng và thành lập Trung tâm Hợp tác Lâm nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam. Bộ trưởng KFS cam kết giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT xây dựng, đề xuất những chương trình, dự án cụ thể.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan HTX trồng, chế biến sâm và phát triển thương hiệu sâm quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: ICD.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan HTX trồng, chế biến sâm và phát triển thương hiệu sâm quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: ICD.

Theo đó, một số lĩnh vực cần đẩy mạnh gồm phục hồi cảnh quan rừng tại các vùng khô hạn ở Việt Nam; xây dựng bản đồ số về sử dụng đất phục vụ cho việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; hợp tác xây dựng và vận hành các vườn ươm công nghệ cao cho cây rừng, cây thuốc và các loài thực vật quý, hiếm theo tiêu chuẩn Hàn Quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước và thăm HTX trồng, chế biến sâm và phát triển thương hiệu sâm quốc gia.

Hai Bộ trưởng đồng tình rằng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần bảo vệ, phát triển rừng, quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Điều này sẽ thúc đẩy kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp như thương mại, chế biến gỗ, các sản phẩm từ gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ.

Xem thêm
Cả nước có thêm 7 vườn quốc gia

Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 225 khu rừng đặc dụng, với diện tích tăng thêm gần 200.000ha so với hiện tại, trong đó gần 75.000ha là thành lập mới.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nhiều nghệ sĩ hát gây quỹ xây cầu cho bà con Cà Mau - Bạc Liêu

Nhiều ca nhạc sĩ, nghệ sĩ hát gây quỹ 'Quê hương và những tấm lòng' nhằm xây nhà, xây cầu giao thông nông thôn... cho bà con Cà Mau - Bạc Liêu.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 6] Những toan tính của tỉnh Hòa Bình

Điều thú vị và bất ngờ, khi xây đập chặn sông Đà từ đó hình thành nên vùng lòng hồ, gần 5 thập kỷ trước người ta chưa nghĩ tới mục đích cho thủy sản...

Bình luận mới nhất