Sáng 19/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tiếp và hội đàm với bà Fredelita Guiza, Bộ trưởng, Văn phòng cố vấn Tổng thống về ANLT và hiện đại hóa nông nghiệp Philippin về kinh nghiệm trong quản lý thủy lợi nhằm mục đích sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Tại buổi tọa đàm, vấn đề bà Fredelita Guiza quan tâm nhất là những kinh nghiệm phân cấp quản lý thủy lợi của Việt Nam và ý kiến của Việt Nam về thu thủy lợi phí. Bộ trưởng Fredelita Guiza nhấn mạnh: “Philippin đang trong quá trình dự thảo quy hoạch tổng thể thủy lợi trong 10 năm tới. Để xây dựng quy hoạch tổng thể này, Philippin đang cần những ý tưởng mang tính sáng tạo, đổi mới về phát triển thủy lợi để tăng hiệu quả sử dụng nước cho tưới tiêu ở Philippin”.
Theo bà Fredelita Guiza, bản dự thảo về kế hoạch tổng thể về thủy lợi sẽ hoàn thành vào tháng 6 tới để trình lên Chính phủ mới của Philippin sau bầu cử. Chính vì vậy, đoàn công tác muốn tìm hiểu, học tập những sáng kiến, thông tin về thủy lợi từ các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Bà Fredelita Guiza cho biết, Philippin có 10 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 3 triệu ha cần tưới. Hệ thống thủy lợi mới chỉ đảm bảo tưới cho 1,73 triệu ha, còn 1,27 triệu ha cần phát triển các hệ thống tưới tiêu.
Theo chính sách về tưới tiêu, Philippin có hai hệ thống thủy lợi: hệ thống thủy lợi quốc gia tưới tiêu cho khu vực canh tác lớn hơn 1.000ha và những diện tích nhỏ hơn 1.000ha thuộc về hệ thống thủy lợi của cấp cơ sở. Theo quy định về chính sách thủy lợi của Philippin, tất cả những hệ thống thủy lợi này đều phải được xây dựng, thiết kế bởi cơ quan quản lý thủy lợi quốc gia Philippin.
Trao đổi với bà Fredelita Guiza, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện nay, đối với Việt Nam, chúng tôi phân cấp chủ yếu cho các địa phương quản lý, chỉ có 3 hệ thống công trình thủy lợi lớn, liên tỉnh và những công trình về hệ thống đê điều từ cấp 3 trở lên cấp đặc biệt do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý; còn lại giao cho các địa phương.
“Như vậy, mô hình Việt Nam khác hẳn với Philippin. Ở Việt Nam có sự phân cấp tương đối lớn cho chính quyền địa phương; còn ở Philippin lại tập trung vào chính quyền Trung ương, do vậy hai mô hình này mô hình nào tốt hơn?” – bà Fredelita Guiza đặt vấn đề.
Lý giải vấn đề này, ông Hoài cho biết: “Mỗi mô hình sẽ có một ưu điểm riêng. Nếu tập trung về Trung ương, với số lượng công trình của chúng tôi rất là lớn thì không thể quản lý được. Ví dụ hồ chứa của chúng tôi có tới gần 7.000, với hệ thống kênh hiện nay là 235.000km, hệ thống đê có 2.500km, do Chính phủ quản lý, thuộc đê cấp 3 trở lên.
Chính vì vậy, phải phân cấp và hiện nay chúng tôi còn tăng cường phân cấp quản lý hơn nữa đối với các công trình thủy lợi nhỏ để có sự tham gia của người dân, tham gia của cộng đồng vào sự quản lý này”.
Phát biểu tại buổi hội đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nước là một vấn đề rất lớn không chỉ cho Philippin mà hiện là vấn đề rất lớn của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, câu chuyện thủy lợi là vấn đề rất lớn, đang tập trung tháo gỡ từ Luật; và Philippin thành lập hẳn một Văn phòng tư vấn cho Tổng thống, trong đó có một nội dung lớn này chắc xác định tầm quan trọng của công tác thủy lợi. Liên quan đến vấn đề thu thủy lợi phí, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Đây là vấn đề lớn của Việt Nam bởi vì hiện nay tài nguyên nước cực kỳ quý; do đó chúng tôi đang điều chỉnh lại”.