Ngày 9/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận vụ việc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo với Ban Bí thư.
Hành động kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Đảng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ hành động ấy, người dân tin tưởng rằng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, loại bỏ những “ông vua con”, những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước; làm cho dân tin Đảng và Đảng ngày càng gần dân.
Câu chuyện người đứng đầu tỉnh Hậu Giang cho là “bình thường không đáng bị phê phán ầm ĩ” đã và đang làm xôn xao dư luận; làm cho người đứng đầu Đảng phải chỉ đạo “cần làm ngay”. Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ và có kết luận hai nội dung, là quy trình bổ nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang-ông Trịnh Xuân Thanh qua các chức vụ và việc đi xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh.
Dư luận băn khoăn, nghi ngờ khi thấy các chức vụ ông Trịnh Xuân Thanh từng đảm nhiệm, nơi ông từng kinh qua để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp, thậm chí làm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, đã từng bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm các sai phạm. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì ông cứ “thẳng đường mà tiến”, từ một cán bộ làm doanh nghiệp, đến chức vụ cao hơn và được tiến cử luân chuyển về cơ sở. Đó quả là một sự khó hiểu trong công tác cán bộ.
Dư luận băn khoăn, nghi ngờ khi chiếc xe sang, trị giá hơn gấp nhiều lần tiêu chuẩn một cán bộ cỡ Phó Chủ tịch tỉnh được phép đi, lại có những hai biển số, tư nhân và công vụ. Vì ngân sách của Hậu Giang không dư dả; vì dân của Hậu Giang còn nghèo, nên ông Thanh không nỡ lấy xe công để đi ư? Có lẽ, bất cứ người dân nào cũng thấy, đây chỉ là ngụy biện. Bởi nếu vậy thì tại sao phải thay biển số xe màu trắng – dành cho tư nhân bằng biển số màu xanh – dành cho xe công vụ?
Một việc làm tưởng như “bình thường” nhưng nó lại vi phạm quy định. Ở khía cạnh kỷ cương luật pháp, nó còn là một sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt, đối với một cán bộ cấp cao. Bởi, nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền là “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Vì thế, việc biến biển xe trắng thành xanh này cũng là điều bất bình thường trong công tác quản lý cán bộ.
Rõ ràng là, những băn khoăn, nghi ngờ của người dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, với đảng viên (dù chỉ một cá nhân) đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng. Như thế thì làm sao củng cố, lấy lại được niềm tin của người dân?
Cách đây chưa lâu, ngày 27/5, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng do Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói những lời “gan ruột” khi nhắc lại bài học lịch sử “Lấy dân làm gốc”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nhận định, không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, sống ích kỷ; một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Chính lối sống ấy, tác phong ấy làm giảm sút sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đảng viên, khiến người dân bất bình và làm xói mòn lòng tin của dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để lấy lại lòng tin của dân, Tổng Bí thư cho rằng, cần có biện pháp thật kiên quyết, giáo dục, rèn luyện, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước.
Bởi thế, chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư trước vấn đề, sự việc liên quan đến công tác cán bộ, quản lý đảng viên, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân và những đảng viên chân chính, là việc làm cụ thể biến quyết tâm chính trị thành hành động.
Hành động ấy là thông điệp cho thấy sự kiên quyết, nghiêm minh trước pháp luật, không có vùng cấm, không có tiền lệ cho bất cứ ai dựa vào thế lực, quyền hành của người khác để “vinh thân”, để dựng lên những “ông vua con” gây bức xúc trong nhân dân.
Hành động ấy cũng là một thông điệp cho thấy các tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải rèn luyện, sửa mình; Người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành phải thực sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức chính trị, giải quyết, xử lý triệt để những vi phạm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, trả lời công khai trước dư luận, không tìm cách né tránh, bao che.
Có như vậy, Đảng mới có được nguồn nhân lực kế cận tốt; mới xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, đáng là “công bộc” của dân. Như vậy, lòng dân sẽ hướng về Đảng, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng; vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của Đảng. Như vậy, mối quan hệ giữa Dân với Đảng mới ngày càng gắn bó, và lúc ấy, Đảng mới thực sự gần dân.