| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải bắt kịp dịch chuyển của sản xuất

Thứ Năm 26/09/2024 , 18:02 (GMT+7)

Chiều 26/9, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành của Bộ và đề xuất giải pháp trong thời gian tới.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn (TC-QC) là công cụ kỹ thuật quan trọng để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; phương thức quản lý thông dụng nhất mà các nước trên thế giới đang thực hiện; là văn bản nền tảng, cơ sở tiên quyết cho hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định).

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, các đơn vị phải xem xét thật kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh, nhất là những tác động khi áp dụng trên thực tế. Ảnh: Trung Quân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, các đơn vị phải xem xét thật kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh, nhất là những tác động khi áp dụng trên thực tế. Ảnh: Trung Quân.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành 87/201 nhiệm vụ xây dựng TC-QC Việt Nam. Hiện có nhiều TC-QC đang chờ nghiệm thu, thẩm định để ban hành. Về hệ thống TC-QC Việt Nam do Bộ tổ chức xây dựng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm 107 quy chuẩn và 1.409 tiêu chuẩn.

Bên cạnh những mặt làm được, công tác xây dựng TC-QC của các đơn vị vẫn còn một số hạn chế như chất lượng xây dựng kế hoạch chưa tốt, nhất là kế hoạch dài hạn 5 năm chưa được quan tâm đúng mức nên các đề xuất chưa có định hướng chiến lược lâu dài; nhiều đề xuất chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; chưa tập trung vào các nhóm đối tượng chính phải quản lý bằng TC-QC.  

Một số ít TC-QC chất lượng chưa cao, áp dụng trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều; hiệu lực áp dụng ngắn do không đồng bộ với các luật mới ban hành, nghị quyết của Chính phủ và các hiệp định quốc tế. Việc gia hạn thời gian xây dựng TC-QC phổ biến ở tất cảc các lĩnh vực (năm 2023 có 57 nhiệm vụ xây dựng TC-QC phải gia hạn).

Ngoài ra, đối với nhóm sản phẩm hàng hóa (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây lâm nghiệp) cần xây dựng tiêu chuẩn theo nhóm đối tượng, nhóm hoạt chất, hoạt tính của vi sinh vật thay cho việc xây dựng tiêu chuẩn chi tiết, nhỏ lẻ theo từng chỉ tiêu, hoạt chất/vi sinh vật, loài/chi/giống cụ thể như hiện nay.

Trên cơ sở đó, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, trong thời gian tới các đơn vị cần tập trung hoàn thiện hệ thống TC-QC theo từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ, quá trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ như TC-QC quản lý an toàn thực phẩm, quản lý vật tư nông nghiệp, phục vụ kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, xây dựng TC-QC theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhóm sản phẩm mới, chủ lực của Việt Nam và thực hiện các đề án lớn của Bộ như TC-QC trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn, quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, thời gian tới việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cần đẩy mạnh theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Ảnh: Trung Quân.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, thời gian tới việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cần đẩy mạnh theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Ảnh: Trung Quân.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện nay tất cả quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc phải áp dụng của các nước đều dựa trên các nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam, từ năm 2015, Bộ đã ban hành thông tư tiếp nhận TC-QC của quốc tế, vùng, khu vực. Do đó, nên nghiên cứu, xem xét cụ thể hơn việc tiếp nhận TC-QC từ các nước để trở thành tiêu chuẩn phù hợp với Việt Nam. Điều này sẽ góp phần rút ngắn quá trình xây dựng TC-QC, giảm bớt gánh nặng cho công tác quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ NN-PTN Lê Minh Hoan lưu ý: TC-QC là công cụ quản lý, không phải mục tiêu quản lý. Cho nên, khi xây dựng, ban hành các đơn vị phải xem xét thật kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh, nhất là những tác động của TC-QC khi áp dụng trên thực tế; tránh chủ quan, duy ý chí, ban hành cho xong.

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Do đó, các TC-QC phải bám sát định hướng này để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa tất cả các khâu của chuỗi giá trị từ sản xuất tới chế biến; xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt và thuận lợi triển khai bảo hiểm nông nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ, tư duy, vận hành xã hội thay đổi liên tục, cái mới ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới hơn thay thế. Do đó, các đơn vị cần bám sát thực tế, mạnh dạn đề xuất điều chỉnh các TC-QC, thậm chí cả các TC-QC mới ban hành cho phù hợp.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.