| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD

Thứ Ba 26/11/2024 , 20:19 (GMT+7)

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD và ngành này sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.

Có thể đạt 2 tỷ USD năm 2024

Báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, ngành cá tra Việt Nam năm 2024 phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao; chi phí logistic tăng. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ một số quốc gia đang chiếm thị phần tại thị trường Hồi giáo. Giá thu mua cá tra nguyên liệu không cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ…

Tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý có liên quan và các hiệp hội, ngành hàng cá tra Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể về cả chất lượng và giá trị.

Sản lượng cá tra của nước ta năm 2024 ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản lượng cá tra của nước ta năm 2024 ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản lượng cá tra năm 2024 ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến hết 10 tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 1,67 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, định hướng của ngành cá tra Việt Nam năm 2025 là sản lượng đạt 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 70% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Khuyến khích mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghệ xử lý nước thải, bùn thải để bảo vệ môi trường.

Dự báo thị trường năm 2025

Số liệu thống kê của VASEP cho hay, về thị trường tiêu thụ, 10 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 10/2024, thị trường này tiêu thụ 61 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu cá tra nước ta sang Trung Quốc và Hồng Kông trong 10 tháng đầu năm nay vẫn giảm 2,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 479 triệu USD.

Tháng đầu của quý cuối năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận tăng 65% so với cùng kỳ, đạt hơn 35 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 291 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ.

CPTPP là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của cá tra của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các quốc gia được trợ lực bởi Hiệp định CPTPP đạt hơn 224 triệu USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 1,67 tỷ USD. Ảnh: HT.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 1,67 tỷ USD. Ảnh: HT.

Trong khi đó,xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ 0,04%, tương đương với mức cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 144 triệu USD. Một số thị trường trong khối EU ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania, Ireland, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ Đào Nha...

Nhận định về các thị trường chính của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian tới, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP cho hay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có thể gặp nhiều thách thức hơn khi chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với cá minh thái Nga. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi dẫn đến các nhà nhập khẩu thận trọng khi mua hàng…

Tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam có nhiều cơ hội khi Chương trình mua cá tra của Chính phủ Mỹ là “Bữa trưa học đường” và “Hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng” sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý I/2025. Bên cạnh đó, cá tra hiện vẫn nằm trong top sản phẩm thủy sản yêu thích tại Mỹ. Hơn nữa, nguồn cung cá cod từ Nga vào Mỹ giảm, nguồn cung cá rô phi bị sụt giảm… đây là cơ hội để cá tra Việt Nam gia tăng thị phần. Ngoài ra, Chính quyền mới của Tổng thống mới đắc cử sẽ tác động đến thương mại thủy sản, đây vừa là cơ hội cũng là thách thức.

Còn tại thị trường EU,, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn sẽ chưa thật sự bứt phá khi mức độ cạnh tranh vẫn kém hơn so với các dòng cá thịt trắng khác.

Đối với các thị trường khác, đặc biệt là các thị trường nhỏ có mức tăng trưởng ấn tượng như: Mexico, Brazil, Nga, Nhật Bản, Colombia... sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Dự báo về ngành cá tra Việt Nam trong năm 2025, bà Lan cho biết: “Ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025. Bên cạnh đó là sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu cá tra chế biến. Tuy nhiên về giá, giá bán bình quân toàn ngành chỉ cải thiện nhẹ do ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc".

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.