| Hotline: 0983.970.780

Mô hình chuỗi liên kết giúp người nuôi cá tra thoát lỗ, làm giàu

Thứ Tư 20/11/2024 , 14:12 (GMT+7)

Đồng Tháp Nhờ liên kết nuôi cá tra, xã viên trong HTX không chỉ vượt qua khủng hoảng giá cả mà còn giảm chi phí đầu tư từ 1.500-2.000 đồng/kg cá so với hộ nuôi bên ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành, Đồng Tháp kiểm tra thức ăn cho cá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành, Đồng Tháp kiểm tra thức ăn cho cá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thoát lỗ nhờ chuỗi liên kết

Trong bối cảnh ngành công nghiệp cá tra đối mặt với nhiều thách thức, giá cá tra không ổn định khiến phần lớn người nuôi thua lỗ, Hợp tác xã Dịch vụ Thủy sản Châu Thành, Đồng Tháp đã chứng minh một mô hình làm ăn mới, hiệu quả. Với phương thức liên kết chuỗi cùng doanh nghiệp, HTX không chỉ giúp các xã viên ổn định đầu ra mà còn mang lại lợi nhuận đáng kể ngay cả khi giá cá tra ở mức thấp.

Trong khi người nuôi cá tra tại ĐBSCL rơi vào cảnh “càng nuôi càng lỗ,” thì các hộ nuôi thuộc HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành ở cồn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp vẫn duy trì lợi nhuận 500-1.000 đồng/kg cá. Điều này có được là nhờ mô hình liên kết với Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, giúp đảm bảo đầu vào và đầu ra cho người nuôi.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành, mô hình liên kết này tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương, như nguồn nước thuận lợi từ sông Tiền và kinh nghiệm nuôi cá lâu năm của các xã viên. Phía doanh nghiệp hỗ trợ 100% thức ăn trong cả vụ nuôi, thu hồi vốn sau khi thu hoạch, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định qua các hợp đồng bao tiêu.

“Chính nhờ mối liên kết này, xã viên trong HTX không chỉ vượt qua khủng hoảng giá cả khi bán cá tra mà còn giảm chi phí đầu tư từ 1.500-2.000 đồng/kg cá so với hộ nuôi bên ngoài,” ông Bình chia sẻ.

Hiện nay toàn huyện Châu Thành có 250ha nuôi cá tra, riêng ở cồn An Nhơn thuộc xã An Hòa có tới 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp trong đó có gần 200ha nuôi cá tra, bên cạnh đó dưới sông có hàng trăm lồng bè nuôi cá khác phục vụ bán cá chợ như điều hồng, cá he, cá hú…

HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành được thành lập từ tháng 6/2015 có 16 thành viên với 30ha mặt nước nuôi cá tra đều có liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành được thành lập từ tháng 6/2015 có 16 thành viên với 30ha mặt nước nuôi cá tra đều có liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời điểm này người nuôi cá tra ở ĐBSCL đa phần là thua lỗ, trong khi đó chi phí đầu tư cho 1kg cá hiện nay phải mất từ 28.000 -29.000 đồng/kg, khi bán cá dưới giá thành chỉ còn 27.000 -27.500 đồng/kg. Như vậy, người nuôi đang lỗ hơn cả 1.000 đồng/kg, nhưng đối với HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành vẫn sống khỏe, tuy có lời ít.

Nhiều lợi ích từ hợp tác xã

Ông Võ Văn Thanh là người có diện tích nuôi cá tra lớn nhất xã An Hòa với diện tích gần 1,5ha. Ông Thanh vào HTX lúc mới thành lập, trước đó gia đình ông chỉ đủ ăn nhờ vào việc trồng nhãn và nuôi cá tra với diện tích nhỏ. Thấy nuôi cá tra hiệu quả ông đã phá nhãn mở rộng diện tích lên 7-8 ao nuôi cá, giờ ông đã trở thành tỷ phú ở An Hòa nhờ con cá tra.

Gia nhập HTX, các xã viên không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp mà còn từ chính HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành. Một trong những lợi ích đáng chú ý là mức chiết khấu 6% trên tổng giá trị hóa đơn thức ăn, cùng các khoản vay không lãi để xoay vốn trong ngắn hạn.

Các thành viên trong HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành được Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung được hỗ trợ 100% thức ăn trong cả vụ nuôi, khi bán cá xong doanh nghiệp mới thu lại tiền thức ăn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các thành viên trong HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành được Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung được hỗ trợ 100% thức ăn trong cả vụ nuôi, khi bán cá xong doanh nghiệp mới thu lại tiền thức ăn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

HTX cũng khuyến khích các xã viên áp dụng các tiêu chuẩn nuôi tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, giúp giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng cá. Nhờ đó, cá tra của HTX luôn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Đồng Tháp đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ ngành cá tra, như cấp mã số vùng nuôi, xây dựng chuỗi liên kết và đào tạo kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, 60% diện tích nuôi cá tra tại Đồng Tháp đạt chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm.

Đối với HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành là một trong 9 HTX của tỉnh Đồng Tháp được chọn thí điểm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Mô hình này không chỉ giúp xã viên vượt qua khó khăn mà còn tạo cơ sở vững chắc để ngành cá tra phát triển bền vững.

Chính nhờ mối liên trong nuôi cá tra mà các xã viên của HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành đã giảm chi phí đầu tư từ 1.500-2.000 đồng/kg cá so với hộ nuôi bên ngoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chính nhờ mối liên trong nuôi cá tra mà các xã viên của HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành đã giảm chi phí đầu tư từ 1.500-2.000 đồng/kg cá so với hộ nuôi bên ngoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, nhận định: Cá tra Việt Nam có thế mạnh trên thị trường thế giới, nhưng vẫn gặp khó khăn vì thiếu sự liên kết chặt chẽ. Mô hình chuỗi liên kết như ở HTX Châu Thành là hướng đi đúng, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nuôi và các bên liên quan. Mô hình này không chỉ giúp người nuôi giảm rủi ro mà còn mang lại sự ổn định lâu dài cho ngành. Đây là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.

Trong bối cảnh ngành cá tra vẫn đối diện với áp lực từ giá nguyên liệu và thị trường xuất khẩu, sự thành công của Hợp tác xã Dịch vụ Thủy sản Châu Thành là một minh chứng cho thấy việc liên kết chuỗi là giải pháp cần thiết. Đây không chỉ là cách giúp người nuôi cá tra thoát lỗ mà còn tạo động lực để họ vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất