| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản đầu năm 2025 khó khăn do gặp bất lợi kép

Thứ Năm 06/02/2025 , 13:30 (GMT+7)

Chia sẻ về tình hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp đầu năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết nông sản xuất khẩu đang gặp bất lợi kép.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với báo giới sáng 6/2. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với báo giới sáng 6/2. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 6/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi trao đổi với báo chí về tình hình phát triển của ngành trong tháng 1/2025 cũng như giải đáp một số vấn đề liên quan.

Trước hết, Thứ trưởng khẳng định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 10-15%, nhưng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, từ sớm nên nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào, giá cả ổn định, chất lượng tăng cao.

Trong tháng 1 vừa qua, hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản tháng 1 năm 2025 đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, về giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1 năm 2025 ước đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 64 - 65 tỷ USD trong năm nay sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ngay từ tháng đầu năm.

Giải đáp về nguyên nhân giảm giá trị xuất khẩu trong tháng đầu năm, Thứ trưởng nói có 2 vấn đề, thứ nhất là sức mua giảm, thứ hai là giá giảm cho dù sản lượng có tăng.

“Tuy mới chỉ một tháng, nhưng chúng ta cần đến hệ thống giải pháp để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời về đích được mục tiêu của năm 2025”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Một số giải pháp được ông đưa ra là tập trung vào một số thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Philippines… cũng như mở ra một số thị trường mới, ví dụ như các nước tiêu dùng Halal: “Bộ NN-PTNT đã triệu tập một số doanh nghiệp tiềm năng để họp bàn, thúc đẩy các giải pháp để bước vào những thị trường mới”.

Trước nguy cơ xảy ra đối đầu thương mại của các quốc gia trên thế giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn được duy trì ổn định, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu như cá tra, tôm.

Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục có những hội nghị để thảo luận, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản lượng, chất lượng và giá trị xuất khẩu tốt hơn trong năm 2025.

Song song đó, tiếp tục nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của các thị trường tiềm năng để làm cơ sở phân tích, thúc đẩy thương mại và tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh duy trì, mở rộng thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, theo hướng kinh tế xanh, giảm phát thải.

Liên quan đến vấn đề sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có vàng O, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, bên cạnh những thông tin tích cực của sản phẩm này, đâu đó vẫn còn những nhà vườn tổ chức sản xuất còn chuệch choạc.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã sớm chỉ đạo Cục BVTV cùng với các địa phương tổ chức rà soát, chấn chỉnh một cách nghiêm túc để duy trì vùng trồng có quy mô lớn, tỷ suất hàng hóa cao và chất lượng đảm bảo.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới của Ủy ban châu Âu (EC) với vấn đề IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức 4 hội nghị ở cả 3 miền và toàn quốc trước khi EC sang Việt Nam.

Với những động thái liên tục như vậy, Thứ trưởng tin tưởng Việt Nam sẽ đảm bảo được các yêu cầu của EC và cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của chúng ta trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng IUU”.

Giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2025 ước đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,64 tỷ USD, giảm 6,2%; xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 39 triệu USD, giảm 9,3%; xuất khẩu thuỷ sản đạt 750 triệu USD, tăng 0,3%; xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 4,8%; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD, giảm 5,1%; xuất khẩu muối đạt 0,7 triệu USD, tăng 82,7%.

Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 47,9%. 2 thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,8% và 11,4%.

Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,5%. So với năm 2023, giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 15,8%; châu Mỹ tăng 23,8%; châu Âu tăng 28,3%; châu Phi tăng 6,5%; và châu Đại Dương tăng 13,5%.

Tháng 1/2025, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ, châu Á, và châu Âu giảm. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024; châu Á đạt 2,43 tỷ USD, giảm 1,8%; và châu Âu đạt 577 triệu USD, giảm 16,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 31,3%, và châu Đại Dương tăng 0,2%.

Xét theo thị trường chi tiết, Hoa Kỳ với thị phần 21,9%, Trung Quốc với thị phần 21,5%, và Nhật Bản với thị phần 6,6%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với năm 2023, giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,8%, Trung Quốc tăng 11,3%, và Nhật Bản tăng 6,1%.

Xem thêm
Chủ tịch nước chủ trì Lễ dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng 6/2 (mùng 9 tháng Giêng), Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Lễ dâng hương khai xuân Ất Tỵ 2025 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Bãi bỏ thủ tục hành chính khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai

Hà Nội Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT bị bãi bỏ từ ngày 25/2/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xe ô tô tải bất ngờ bốc cháy giữa phố

Gia Lai Chiếc xe ô tô tải đang dừng giữa phố thì bất ngờ bốc cháy, dù đã được người dân xung quanh dập lửa nhưng vẫn không cứu chữa thành công.

Bình luận mới nhất