Tại Họp báo định kỳ Bộ NN-PTNT tháng 9/2022, một trong số những vấn đề được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm nhất là chỉ tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm.
Theo đó, Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, ngay từ giữa năm, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đồng loạt nhận định, ngành nông nghiệp chắc chắn đạt và vượt con số này. Nếu không có đột biến và các lĩnh vực duy trì được tốc độ sản xuất như 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể lập kỷ lục 55 tỷ USD.
Lạc quan về viễn cảnh này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ những thời cơ hiện tại. Đầu tiên là tỷ giá ngoại tệ. Do giá USD liên tục tăng, hiện vừa vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD, những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được "trợ lực" bởi hàng hóa của Việt Nam sẽ trở nên rẻ hơn trên trường quốc tế.
Quá trình này được dự báo sẽ vắt sang năm 2023, bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động. Điều này đồng nghĩa với giá USD còn đi lên. Ở chiều ngược lại, tiền đồng (VND) đang bị sức ép mất giá do thâm hụt cán cân vãng lai, góp phần giúp hàng hóa xuất khẩu tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.
Một nguyên nhân nữa, được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nêu ra, là nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các quốc gia phương Tây luôn tăng cao vào 3 tháng cuối năm. Đây là dịp châu Âu và Hoa Kỳ có nhiều kỳ nghỉ như Giáng sinh, năm mới... và từng giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng "nóng" hồi cuối năm 2021.
Trong 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, Việt Nam có lợi thế lớn về cà phê, cao su, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ngoài ra, ngành hàng cá tra Việt Nam, hiện xuất khẩu suýt soát 2 tỷ USD, cũng được xem là có vị trí độc tôn trên thương trường.
"Điều đáng mừng, là chúng ta đã chủ động, linh hoạt cả trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu lẫn chỉ đạo sản xuất và mở cửa thị trường. Chẳng hạn, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã chuyển dịch thành công sang xuất khẩu viên nén, dăm gỗ, giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Gặp không ít thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải lường trước một số thách thức. Trong đó, yếu tố được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đặc biệt lưu ý là tình trạng lạm phát hiện diễn ra tại nhiều quốc gia, cũng như xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống. Do tình hình địa chính trị bất ổn, người tiêu dùng có xu hướng tiết chế cơ cấu bữa ăn, khiến thị phần có nguy cơ thu hẹp và xuất hiện hàng tồn kho.
Ở trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu cần lường trước khó khăn do chi phí đẩy và tỷ giá hối đoái tăng. Dòng tiền và cán cân thương mại cần được tính toán, điều chỉnh theo chu kỳ ngắn hạn, theo Thứ trưởng.
Nhìn nhận khách quan tình hình hiện tại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo doanh nghiệp, HTX, người dân tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, phế phụ phẩm tại chỗ. Đồng thời, các bên cần tăng cường hợp tác công - tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng, hình thành các chuỗi, dây chuyền mang quy mô công nghiệp.
Về phía Bộ NN-PTNT, ông cam kết tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo sức hút đầu tư cho doanh nghiệp vào địa phương. Hiện Bộ NN-PTNT đang xây dựng một số chương trình xúc tiến đầu tư tại tỉnh Đăk Nông, Đồng Nai nhằm xây vùng nguyên liệu có đầy đủ thông tin, gắn kết chủ động với thị trường tiêu thụ bằng chế biến sâu.
"Mỗi cán bộ ngành nông nghiệp phải có trách nhiệm với mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD. Đây là thách thức, nhưng cũng là niềm vinh dự của ngành khi thể hiện rõ nét vai trò trụ đỡ nền kinh tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề rau thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một số siêu thị được phản ánh thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp Hiệp hội Nhà bán lẻ Việt Nam để thông tin một cách công khai, minh bạch hàng hóa nông sản trước khi tới tay người tiêu dùng.