Chiều 3/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Họp báo định kỳ Bộ NN-PTNT tháng 9/2022. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu khai mạc, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, ngành nông nghiệp sau 9 tháng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức như: xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tại các quốc gia phương Tây, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu...
Để đối phó với những vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.
"Nhiều mặt hàng như thịt lợn, giá lương thực... ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cũng như rổ hàng hóa CPI. Tổ chức canh tác nông nghiệp một cách bền vững vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp đảm bảo an ninh, quốc phòng", ông nói.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.
Về một số chỉ tiêu chính sau 9 tháng, như diện tích, năng suất, sản lượng gieo cấy lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp, toàn ngành đều tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Riêng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33%; đàn lợn ước tăng 8,8%; sản lượng thịt ước đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%; trồng rừng đạt 187,5 nghìn ha, tăng 6,4%; giá trị sản xuất thủy sản ước tăng khoảng 4,43%, trong đó, tổng sản lượng ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi tổng kim ngạch sau 9 tháng khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm trước.
Tăng mạnh nhất là thủy sản, khoảng 38%, và đạt tổng giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD. Nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%. Riêng chăn nuôi giảm 18,4%.
Đến nay, 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng tăng mạnh như cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,8%; gạo trên 2,6 tỷ USD, tăng 9,3%; sắn và sản phẩm sắn trên 1 tỷ USD, tăng 21,0%; cá tra trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%; gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; thứ nhì là Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2%; thứ ba là Nhật Bản đạt trên 3,1 tỷ USD, chiếm 7,6%.
Bộ NN-PTNT đã quản lý và cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi. Trong tháng 9, Bộ phối hợp Tổng cục Hải quan Trung Quốc xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang nước bạn.
Về tổ chức sản xuất, cả nước có 5.854 xã, chiếm 71,2%, đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 925 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 8.478 sản phẩm OCOP và 4.351 chủ thể tham gia.
Số HTX nông nghiệp tiếp tục tăng, lên 19.002, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Cùng với đó, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản hiện hơn 15.100, tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2021.
Trước những kết quả này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao như: tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 75%; số dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 92,5%.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng kêu gọi sự đồng hành, chung tay của các cơ quan thông tấn, báo chí. Ông bày tỏ, đây chính là nguồn lực giúp gia tăng sức mạnh tổng thể cho ngành.