Chiều 28/6, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết Công tác 6 tháng đầu năm và Triển khai Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.
Giữ đà sản xuất
Dù triển khai thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tác động của xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, ngành nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành nhiều mục tiêu như: Tăng trưởng GDP cao, trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt thặng dư thương mại tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; số xã, huyện đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cũng như số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều tăng.
Về trồng trọt, cả nước gieo cấy khoảng 5,2 triệu ha lúa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, năng suất gieo trồng 65,1 tạ/ha, giảm khoảng 1,8 tạ/ha, sản lượng khoảng 23,17 triệu tấn. Trong đó, đã thu hoạch xong vụ đông xuân với diện tích gieo trồng trên 2,99 triệu ha, năng suất 66,7 tạ/ha, giảm 1,9 tạ/ha, sản lượng gần 20 triệu tấn, giảm khoảng 661 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2021.
Các địa phương đã gieo cấy khoảng 1,87 triệu ha lúa hè thu, tăng 3,2% và thu hoạch hơn 242,5 nghìn ha với năng suất 59,7 tạ/ha tương đương năm 2021, sản lượng khoảng 1,45 triệu tấn. Nhiều nơi đã chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích 45,8 nghìn ha sang trồng các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Các loại cây khác biến động không đáng kể, ngoại trừ khoai lang gieo trồng 61,5 nghìn ha, giảm 11,3%. Sản lượng các cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, chè đều tăng, duy nhất điều giảm 16,5% do ảnh hưởng của mưa trái mùa và đạt 321,9 nghìn tấn. Các cây ăn quả chủ lực tăng mạnh về sản lượng như: vải 170 nghìn tấn, tăng 7,4%; cam 490,8 nghìn tấn, tăng 15,1%; bưởi 282,8 nghìn tấn, tăng 6,2%. Một số sản lượng giảm như: thanh long 606,8 nghìn tấn, giảm 7,4%.
Về chăn nuôi, tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,4 triệu tấn. Trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%; đàn bò tăng 2,2%; sản lượng thịt 241,2 nghìn tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10,1%; đàn gia cầm tăng 1,2%; sản lượng thịt hơi 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%, trong đó chăn nuôi tăng 5,7%; lâm nghiệp tăng 4,97%; thủy sản tăng 4,15%. Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7% - 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,2%; lâm nghiệp tăng khoảng 4,8%; thủy sản tăng khoảng 4,05%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT đã phối hợp tổ chức Lễ công bố vacxin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào ngày 3/6/2022. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, giúp nâng cao vị thế Việt Nam cũng như đảm bảo sức tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi.
Về lâm nghiệp, cả nước chuẩn bị 860 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; diện tích rừng trồng mới tập trung 119,2 nghìn ha, tăng 6,0%. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát chất lượng đạt khoảng 90%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán gần 50 triệu cây, tăng 31%. Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng tập trung gần 8,5 triệu m3, tăng 5,9%; sản lượng củi khai thác trên 9,5 triệu ste, tăng 0,6%.
Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nửa đầu năm 2022, cả nước phát hiện 4.688 vụ vi phạm, giảm 1,2%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 588ha, giảm 24,9%. Tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng khoảng 1.495 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế đến nay diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 337.350ha.
Về thủy sản, vượt qua "bão giá" xăng dầu, ngư dân đã tích cực tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản định hướng theo đúng mục tiêu tăng cường nuôi trồng, giảm cường lực khai thác. Trong đó, sản lượng khai thác 1,93 triệu tấn, giảm 2,6%; sản lượng nuôi trồng 2,27 triệu tấn, tăng 7,4%.
Về sản xuất muối, diện tích sản xuất ước đạt 11.193ha; trong đó muối thủ công 7.753ha, muối công nghiệp 3.540ha. Sản lượng khoảng 396,35 ngàn tấn; lượng tồn trong diêm dân và doanh nghiệp khoảng 255,37 ngàn tấn.
Nâng cao chất lượng
Đến hết tháng 6/2022, cả nước có 5.775/8.227 xã (chiếm 70,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 160 xã (1,9%) so với cuối năm 2021. Trong đó, có 764 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 261 xã so với cuối năm 2021) và 83 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 40 xã so với cuối năm 2021). Bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã.
Tổng cộng, 249 đơn vị cấp huyện thuộc 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 36 đơn vị so cuối năm 2021 và chiếm khoảng 38,7% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hiện 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm và công nhận 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 20 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia, với 4.061 chủ thể tham gia. Trong đó, 38,7% là HTX, 25,9% là doanh nghiệp, 33,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Hưởng ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật HTX, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2022, cả nước lập mới 610 HTX nông nghiệp, giải thể 190 HTX, nâng tổng số lên 77 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 18.760 HTX nông nghiệp. Trong đó, khoảng 60% được xếp loại khá, tốt; với trên 4.200 HTX thực hiện dịch vụ sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên và nông dân; trên 2.200 HTX liên kết đầu tư thành lập dự án, doanh nghiệp trực thuộc. Các HTX thu hút được 3,28 triệu hộ, chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Cả nước hiện phát triển 1.668 chuỗi (tăng 24 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021), với sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX, và một số tập đoàn lớn. Đến nay, Việt Nam có khoảng 6.925 chuỗi liên kết nông nghiệp; huy động 293 tổ chức khoa học, 4.393 HTX, 777 tổ hợp tác, 1.910 doanh nghiệp và gần 700.000 hộ nông dân tham gia.
Nhằm đáp ứng được với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai 307 nhiệm vụ khoa học công nghệ, môi trường cấp Bộ; nghiệm thu 38 đề tài nghiên cứu khoa học, 14 nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Kết quả, công nhận được 18 giống mới và 12 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới... Thực hiện 163 dự án khuyến nông Trung ương và nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên.
Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành đã tạo ra 2 giống ngô mới, 11 tiến bộ kỹ thuật mới; quy trình nhân giống keo lai bạch đàn lai đạt quy mô 3 triệu cây/năm; quy trình công nghệ thụ tinh phân ly giới tính đạt tỷ lệ thụ thai 47% đối với tinh nhập khẩu đông lạnh, quy trình công nghệ tạo phôi phân ly giới tính; quy trình công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano, quy trình công nghệ nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng hai cấp… Từ đó, 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng quyết định thành lập, 18 vùng được địa phương công nhận; hơn 135 khu sản xuất do doanh nghiệp đầu tư; và 290 doanh nghiệp được công nhận.
Thặng dư toàn ngành tăng gấp 2 lần
Nhờ chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, ngành nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông).
Đồng thời, Bộ NN-PTNT phối hợp các Bộ, ban, ngành liên quan đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang Newzealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Mỹ.
Nhờ một loạt giải pháp đồng bộ, kịp thời, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.
Đóng góp vào thành công đó, 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất); trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: cao su (tăng 9,2% khối lượng, 12,2% giá trị), cà phê (tăng 21,7% khối lượng, 49,7% giá trị), gạo (tăng 16,2% khối lượng, 4,6% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 13,2% khối lượng, 28% giá trị).
Hai thị trường lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) thời gian qua được ngành nông nghiệp duy trì tốc độ xuất khẩu. Với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). Với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu).
Nhập khẩu NLTS 6 tháng đầu năm khoảng 22,1 tỷ USD. Điều này giúp thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng năm 2021.
Song song với xuất khẩu, ngành nông nghiệp cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT tích cực phối hợp với các tỉnh biên giới xử lý tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu; đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương, nhất là trên các sàn thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị lớn; hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhiều con số kỷ lục
Nhìn nhận rõ thời cơ, thách thức, Bộ NN-PTNT đặt nhiều mục tiêu bằng hoặc vượt Chính phủ giao trong 6 tháng cuối năm 2022. Về sản xuất, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3,0% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%), giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9 - 3,1%. Trong đó: Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,5%; sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm trên 1,9 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản trên 8,7 triệu tấn; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3; kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 55 tỷ USD (vượt 5 tỷ USD so với Chính phủ giao).
Để đạt mục tiêu trên, toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tác động vào nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu xuất khẩu. Cụ thể: Nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 75% (Chính phủ giao 73%), trên 240 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Chính phủ giao 235 đơn vị); tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 42%, và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 92,5%; trên 77% xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM (Chính phủ giao 77%).
12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Bộ NN-PTNT đề ra, để hoàn thành các mục tiêu trên. Trong đó, Bộ NN-PTTN nhấn mạnh các vấn đề: Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.