Chiều 1/11, tại UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh miền Trung.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, bão số 9 là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, mạnh nhất lịch sử trong vòng 20 năm qua. Xác định như vậy nên ngay từ trước khi bão vào, các địa phương trong đó có 4 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã chủ động trong công tác ứng phó.
Tuy nhiên, do cơn bão đổ bộ vào đất liền với tốc độ gió quá mạnh, thời gian lưu bão kéo dài nhiều giờ đồng hồ nên các địa phương này đã không tránh khỏi những thiệt hại. Trong đó, có đau xót nhất là rất nhiều người chết, đến thời điểm hiện nay, theo thống kê có 29 người chết, 51 người mất tích và mất liên lạc.
Về nhà cửa, có 727 nhà sập hoàn toàn, hơn 160.000 nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước tình khoảng 10.000 tỷ đồng.
“Trước tình hình này, chúng ta có những vấn đề cần tập trung làm ngay, đó là khẩn trương tìm người mất tích, với người dân bị thiệt hại thì không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm; ưu tiên khắc phục các cơ sở thiết yếu về điện, nước, trường học trong đó đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau bão số 9, Bộ NN-PTNT đã huy động các đơn vị của bộ để chuẩn bị tin thần tiến hành phục hồi, tái thiết, sản xuất. Bộ cũng đã huy động các doanh nghiệp vào cuộc bằng các trang vật tư, giống, các trang thiết bị khác, cùng với dự trữ giống quốc gia chuẩn bị cho vụ sản xuất từ nay đến tết và trước mắt là vụ đông xuân tới.
“Qua tình hình hiện nay, chúng tôi đã đề xuất 1 số hỗ trợ khẩn cấp ngay để Thủ tướng Chính phủ quyết định là về gạo. Đề nghị được hỗ trợ 2.500 tấn gạo cho Quảng Nam: 1.000 tấn, Quảng Ngãi 1.000 tấn, Bình định 500 tấn. Thứ 2 về thuốc, hóa chất kể cả vắc-xin mà các tỉnh kiến nghị. Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT sẽ xử lý, cái gì thuộc thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng.
Về kinh phí, xin kiến nghị Thủ tướng, đoàn hỗ trợ cho 800 tỷ đồng cho 6 tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Bình Định và Kon Tum”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các địa phương, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt góp phần giảm thiểu được thiệt hại do bão lũ gây ra. Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội chia sẻ mất mát của các địa phương.
Đồng thời đánh giá cao những cá nhân, tổ chức đã ngày đêm bám sát hiện trường trước, trong và sau bão. Có những cá nhân dũng cảm lao vào nguy hiểm để cứu dân.
Theo Thủ tướng, khó khăn về phía trước còn nhiều trong khi thiệt hại quá lớn với Nhà nước và nhân dân. Nhất là nhà cửa, các công trình giao thông, hệ thống điện lưới…
Mặc dù vậy, Đảng, Nhà nước tin tưởng rằng, người dân miền Trung anh hùng sẽ vượt lên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trên tinh thần từ ngàn đời nay, miền Trung phải học cách sống chung với bão lũ, tìm mọi biện pháp thích ứng với thiên nhiên để giảm thiểu thiệt hại.
“Hiện nay, chúng ta phải tiếp tục bàn các biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên, tôi nêu ra các vấn đề lớn ở đây là, thứ nhất phải đảm bảo thông suốt giao thông đối với những tuyến đường bị hư hỏng. Thứ 2, tìm mọi biện pháp cứu người ở Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Bình Định chưa tìm thấy; đồng thời tích cực điều trị người bị thương. Đặc biệt là các nạn nhân hết sức thương tâm trong vụ sạt lở ở Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Tiếp nữa là không được để người dân sống màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối sau lũ. Vận động mọi biện pháp để con em sớm có thể đến trường.
Yêu cầu các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân một cách công khai minh bạch. Có tiền đến đâu, hỗ trợ cho người dân đến đó. Đặc biệt hệ thống chính trị, Quân đội, công an giúp đỡ nhân dân làm lại nhà nhưng không được làm quá tạm bợ vì tới đây còn nhiều cơn bão nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Nhắc đến vụ sạt lở núi làm 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và thiệt mạng ở xã Trà Leng, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực để sớm tìm thấy các nạn nhân còn mất tích. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Quân khu 5 nhận nuôi các cháu mồ côi sau trận sạt lở trên.
“Quân khu 5 liên hệ xử lý cụ thể từng trường hợp, nhận nuôi đối với những cháu có cha, mẹ chết. Đó là tình cảm của quân đội, của nhân dân chúng ta đối với hoàn cảnh vô cùng thương tâm như thế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với cơn bão số 10 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các địa phương trong đó có các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định phải hết sức đề cao cảnh giác nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi. Ngoài ra, đề nghị các cơ quan chức năng sớm dự báo về cơn bão số 10 để các địa phương chủ động trong công tác ứng phó.