Nước thải từ hàng chục Cty SX giấy, gạch men sứ, thủy tinh… thuộc KCN Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn ngày đêm xả thẳng xuống sông Long Hầu, theo cửa Lân rồi đổ ra biển. Những năm qua, người dân khắp các xã Tây Giang, Tây Tiến, Đông Lâm cho tới tận Nam Cường đang ngắc ngoải, tuyệt vọng gánh chịu ô nhiễm từ nguồn nước.
Cá tôm không còn, nhiều gia đình phải bỏ nghề chài lưới. Một “làng ung thư” ven sông Long Hầu cũng bắt đầu xuất hiện.
Mơ về cá tôm
KCN Tiền Hải nằm ngay trên mặt QL39B, bắt đầu từ xã Đông Cơ và từng là điểm nhấn của tuyến đường nối trung tâm huyện tới bãi biển Đồng Châu. Đường sá thuận lợi, xe cộ đi lại nườm nượp chẳng kém gì phố thị. Nhưng ngặt nỗi, cơ sở hạ tầng, nhà máy, xí nghiệp phát triển bao nhiêu, đời sống của người dân teo tóp bấy nhiêu. Môi trường xung quanh ngày càng trở nên ô nhiễm.
KCN Tiền Hải, một ngày nắng, tiếng máy móc hoạt động đinh tai nhức óc, khói bụi mờ cả mắt. Đi ven theo sông Long Hầu, tính từ cầu Long Hầu, có thể thấy rõ, nguồn nước ở đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu để ý kỹ, trong những hàm ếch sâu toàn bèo súng, sẽ là những họng xả nước thải. Những thứ nước khi thì vàng sánh như nghệ, có khi đen ngòm, bốc mùi hôi thối như bùn trầm.
Hỏi chuyện, ông Nguyễn Văn Dinh, 51 tuổi, xã Tây Giang, lắc đầu, không phải phù sa phù siếc gì đâu, toàn nước thải công nghiệp ra đấy. Ông Dinh bảo, nhìn dòng sông thơ mộng thế thôi, nhưng cho tiền cũng chẳng ai dám nhảy xuống tắm. Vì chỉ cần thò chân xuống nước một lúc là y kỳ ngứa như phát rồ, phát dại. Dùng xà bông chà xát, gãi bắn cả máu mà vẫn không hết ngứa.
Một miệng ống từ KCN Tiền Hải đang xả thải ra sông Long Hầu
Điểm danh những Cty xả thải gây ô nhiễm, bấm bấm ngón tay, ông Dinh bảo, gốm sứ, làm giấy, tái chế rác, nhuộm vải… thằng nào chẳng xả thải, chỉ là ít hay nhiều thôi. Nhớ lại thời chưa có KCN, nước sông Long Hầu trong xanh, cây cối hai bên tốt tươi. Nhưng từ khi KCN hoạt động, cá tôm ít dần. Dưới sông, chắc chỉ còn loài cá rô phi tồn tại. Ông Dinh dẫn PV đi “thị sát” một vòng quanh các miệng ống xả thải.
“Bao năm rồi, từ khi bị ô nhiễm sông gần như chết sạch cá tôm. Ngồi trên bờ có hôm trời đổi gió, mùi hôi thối, có khi hăng hắc bốc lên đến ngạt thở. Là người dân, chúng tôi chỉ biết phản ánh tới chính quyền địa phương. Nhưng rồi, đâu lại hoàn đấy”, ông Dinh thở dài.
Tôi tiếp tục men theo sông Long Hầu ra tới tận cửa biển để tường tận chuyện ô nhiễm. Vừa đổ xong mẻ đăng, chân tay lấm nguyên bùn đất, ông Nguyễn Văn Hưng, 54 tuổi, thôn Nguyệt Ngũ, xã Tây Tiến (nằm phía sau KCN Tiền Hải), ngồi bệt xuống bệ chái, rít điếu cày xành xạch. Cả đời gắn bó với sông nước, ông Hưng bảo, nghĩ mà buồn. Chưa có KCN, sông Long Hầu sao mà lắm cá tôm đến vậy. Có những ngày đi còng còng, đánh được cả tạ tôm, cá. Rồi cua, rạm, nhiều vô kể. Nhưng giờ thì…
Ô nhiễm khiến cho việc mưu sinh trên sông Long Hầu ngày càng khó khăn
Để đánh bắt được cá tôm, hàng ngày, ông Hưng phải dậy từ sớm tinh mơ, chèo thuyền ra tận cửa Lân để đánh bắt. Ấy vậy, ngày nào may mắn cũng chỉ kiếm được một ít, chủ yếu là các loại cá lẹp. Nói đoạn, ông chỉ tay vào đôi ủng trong gầm giường bảo, không có thứ này thì không ai dám lội xuống nước, kể cả đi làm đồng.
“Nước sông giờ ngứa lắm, mùi thì không thể chịu nổi. Vợ chồng tôi, sắm mỗi người một đôi để đi đánh cá, làm ruộng. Tôi là người quen sông nước còn thấy ngứa, chứ người không quen thì không biết thế nào”, ông Hưng chia sẻ.
Ung thư nhiều lắm
Thôn Nho Lâm, xã Đông Lâm vốn là vùng đất thuần nông hiền hòa, nằm nép mình bên con sông Long Hầu – ở đây quen gọi là cổ Rồng. Nhưng giờ về các xã xung quanh KCN Tiền Hải, hỏi về Nho Lâm, ai cũng bảo, à cái “làng ung thư” chứ gì. Một cái biệt danh, dân làng Nho Lâm không ai muốn nhắc tới.
12h trưa, giữa cái nắng rát rạt, ông Vũ Hồng Quân, thôn Nho Lâm, tranh thủ xách mấy ô doa tưới cho mạ khỏi héo. Kể về sông Long Hầu, ông Quân chậm rãi bảo, từ khi có KCN Tiền Hải, nước bị ô nhiễm nặng, còn mức độ thế nào thì chịu. Chỉ biết, nước bơm từ sông vào cánh đồng, khi thì vàng khè, khi đen như bát bùn, lúc lại trắng như nước gạo. Nước bơm vào, đến con ốc bươu vàng còn chết co mồm, đừng nói gì cá tôm.
Dưới sông giờ chỉ còn các loại cá lẹp
Theo ông Quân, cứ vài ngày, nguồn nước thải từ KCN tràn về, lũ cá còn sống thì thở thoi thóp, nổi lên mặt sông. Có khi dạt cả vào bờ nhưng chẳng ai dám vớt, dù là về làm thức ăn cho chó mèo. Bao năm làm nghề chài lưới, nhưng vì ô nhiễm, ông Quân bỏ nghề, chuyển sang làm cái anh thợ mộc.
Người dân Nho Lâm bao đời chỉ dùng nước giếng khoan, nước sạch mới có độ một năm nay. Từ khi KCN xuất hiện, không hiểu sao, số người mắc các bệnh ung thư ở thôn này ngày một nhiều. Một xóm nhỏ, mấy năm nay đã có 6 người chết vì căn bệnh quái ác này. Họ nghi do ăn phải nguồn nước ô nhiễm nhưng không ai dám khẳng định.
Vợ ông Quân cũng đang mắc bệnh ung thư đại tràng. Đi khắp các bệnh viện lớn bé để chạy chữa, bao tiền của đổ vào cũng không ăn thua. Chỉ tay sang những nóc nhà trong xóm, ông Quân chua xót bảo, ở đây ung thư thì nhiều lắm. Ngay nhà tôi đây, một người anh, một đứa cháu bị mắc ung thư, cũng đi viện K điều trị, nhưng đều không qua khỏi.
Cửa Lân, điểm cuối cùng của sông Long Hầu trước khi đổ ra biển
Ngoài số người đã chết, số người mắc bệnh ung thư ở Nho Lâm hiện chưa có con số thống kê, bởi nhiều người vẫn muốn giấu bệnh. Chia sẻ với PV, một cán bộ y tế ở đây cho biết, thực trạng số người mắc và chết vì bệnh ung thư ở Nho Lâm ngày một tăng như người dân phản ánh là chính xác. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một cơ quan chuyên môn nào đứng ra kiểm tra, kết luận nguyên nhân là do nguồn nước.
Chờ đến bao giờ?
Để tìm câu trả lời cho những phản ánh của người dân, PV NNVN đã gõ cửa Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Bình. Với câu hỏi, KCN Tiền Hải liệu có gây ra ô nhiễm như người dân phản ánh và cụ thể, những doanh nghiệp, đơn vị SX nào đang hủy hoại môi trường, ông Nguyễn Trí Thành, Chánh văn phòng Sở đã từ chối trả lời.
Một góc KCN Tiền Hải
Ông Thành cho biết, do yêu cầu của UBND tỉnh Thái Bình, đơn vị này đang lên kế hoạch thanh, kiểm tra lại toàn bộ quá trình hoạt động, xả thải của KCN Tiền Hải. Cụ thể, từ ngày 13/7, Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra 26 Cty, doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, thời gian kéo dài một tuần. Mỗi ngày, đoàn sẽ kiểm tra 4 đơn vị một cách chóng vánh. Về kết quả của cuộc kiểm tra, ông Thành cho biết, cũng không chắc bao giờ có, PV phải liên hệ lại sau.
Theo tìm hiểu của PV NNVN, cuối năm 2015, tỉnh Thái Bình phải thừa nhận rằng, KCN Tiền Hải đã góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Ngoài một số Cty lớn đã xây dựng hệ thống xử lý, còn lại đa số các doanh nghiệp trong KCN vẫn xả thẳng nước thải ra sông Long Hầu khiến con sông bị ô nhiễm nặng nề.
Và trong khi chờ các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình vào cuộc, chỉ mặt đặt tên cho “thủ phạm” gây ô nhiễm, hàng vạn người dân quanh KCN Tiền Hải vẫn tiếp tục chờ… Họ chờ một câu trả lời trong sự mỏi mòn, bức xúc đầy tuyệt vọng!
+ Theo quy hoạch ban đầu: “KCN Tiền Hải sẽ phát triển trên tổng diện tích là 250,95ha. Nước thải sẽ được xử lý cục bộ tại từng nhà máy đạt tiêu chuẩn loại C theo tiêu chuẩn TCVN 5945-1995 sau đó thu gom bằng hệ thống riêng và được đưa về trạm xử lý nước thải”. Câu hỏi đặt ra, nếu như mọi thứ đều đúng tiêu chuẩn, vậy tại sao tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vẫn xảy ra năm này qua năm khác!? + Sau mỗi đợt xã cho bơm nước vào SX, cả cánh đồng lại chuyển màu đen sì, mùi như cá chết. Đi làm đồng, không may mà bị mảnh sành, vỏ ốc cứa đứt tay chân thì uống thuốc kháng sinh, cả tháng mới lành, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết. |