Cầu nối tái cơ cấu nông nghiệp
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu, tỉnh Đồng Tháp nổi lên như một điểm sáng với vai trò ngày càng quan trọng của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước đây, HTX đã giúp người nông dân kết nối với thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và gia tăng giá trị nông sản.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 165 HTX đang hoạt động , chiếm 16% tổng số HTX của toàn vùng ĐBSCL. Đây là minh chứng cho bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế hợp tác của Đồng Tháp. Các HTX đã và đang đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, từ canh tác truyền thống sang quy mô lớn, đồng bộ và bền vững.
HTX Bình Thành định hướng xây dựng vùng sản xuất lúa gạo lớn với gần 100ha quy mô. HTX sẽ quản lý chặt chẽ từng khâu từ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đến giám sát kỹ thuật và thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) chia sẻ: “Trước đây, việc tổ chức sản xuất manh mún khiến nông dân khó tiếp cận được thị trường. Nay HTX hướng dẫn gieo sạ cùng loại giống, quản lý chất lượng và giảm giá thành sản xuất từ 650-1.000 đồng/kg so với bên ngoài. Việc này giúp bà con tăng thu nhập và cải thiện đời sống”.
Bên cạnh đó, mô hình canh tác lúa thông minh của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2, ở huyện Tháp Mười hợp tác với doanh nghiệp Rynan Smart Fertilizers đã giúp nông dân ứng dụng công nghệ mới, giảm chi phí sản xuất và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Một trong những mô hình thành công là HTX Tân Cường (huyện Tam Nông), nổi bật với cơ sở vật chất hiện đại và đa dạng dịch vụ. HTX được đầu tư 12 tỷ đồng từ dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ và 16 tỷ đồng đối ứng từ HTX. Dự án đã xây dựng 2 kho chứa, 5 lò sấy và 1 nhà máy bóc vỏ lúa. Cơ sở này không chỉ giúp HTX thu mua, chế biến gạo mà còn hỗ trợ nông dân tạm trữ lúa trong 2 tháng khi giá thấp, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.
Không dừng lại ở lúa gạo, các HTX còn đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. HTX Tân Bình đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt để sản xuất giống ớt sạch bệnh, đem lại hiệu quả cao. Trong khi đó, HTX Mỹ Xương ở huyện Cao Lãnh với dự án “Cây xoài nhà tôi” đã áp dụng công nghệ 4.0 và có truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, giúp xoài Đồng Tháp tiếp cận thị trường tiêu dùng khắt khe.
Bên cạnh sự phát triển của HTX, Đồng Tháp đã khởi xướng mô hình “Hội quán nông dân” từ cơ sở tự nguyện, tự quản của người dân. Với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, các hội quán không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mà còn là tiền đề để hình thành các HTX. Đến nay, Đồng Tháp đã thành lập 145 hội quán với hơn 7.600 thành viên tham gia, trong đó có 38 HTX được thành lập từ nền tảng này.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: “Các mô hình như hội quán và HTX không chỉ giúp nông dân đoàn kết, hợp tác mà còn là chìa khóa để phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự thành công của các mô hình này sẽ dẫn dắt kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong tương lai.”
Mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị
Vai trò của HTX ở Đồng Tháp không chỉ dừng lại ở tổ chức sản xuất mà còn trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi ngành hàng. Các HTX là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, giúp hình thành chuỗi giá trị bền vững và nâng cao thương hiệu nông sản Đồng Tháp. Ông Nguyễn Phước Thiện thông tin thêm: HTX chính là giải pháp trọng yếu để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu không có HTX, tổ hợp tác hay Hội quán việc thay đổi phương thức sản xuất của bà con nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh Đồng Tháp cũng tích cực khai thác các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tổ chức quốc tế như Dự án VnSAT hay Dự án hợp tác công tư (PPP) để hỗ trợ phát triển HTX. Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và tháo gỡ khó khăn cho HTX trong quá trình liên kết với doanh nghiệp đã tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định rằng, HTX là nhân tố then chốt giúp Đồng Tháp tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, hướng tới sản xuất bền vững và thích ứng với thị trường. Với sự đầu tư bài bản về hạ tầng, chính sách hỗ trợ phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, các HTX đã giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, với kế hoạch phát triển cụ thể và quyết tâm mạnh mẽ từ chính quyền và nông dân, Đồng Tháp sẽ tiếp tục là địa phương tiên phong trong phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp Đồng Tháp, đến năm 2025. Theo ông Nguyễn Phước Thiện, mục tiêu đến năm 2025 có 100% HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, thủy sản. Xây dựng 5 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu để nghiên cứu, học tập và nhân rộng.