| Hotline: 0983.970.780

Ngành dừa trước ngưỡng cửa xuất khẩu tỷ USD

Thứ Tư 18/12/2024 , 20:00 (GMT+7)

TIỀN GIANG Ngày 18/12 tại TP Mỹ Tho, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dừa.

Dừa trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD năm nay. Ảnh: Minh Đảm.

Dừa trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD năm nay. Ảnh: Minh Đảm.

Hình mẫu của kinh tế tuần hoàn

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), ngành dừa Việt Nam gần đây có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ là nguồn sinh kế cho hàng trăm nghìn nông hộ mà còn đang vươn mình ra thế giới, trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm nay. Hiện, cả nước có 25 tỉnh, thành có mô hình trồng dừa chuyên canh với gần 200.000 ha, trong đó có khoảng 80% diện tích đang cho trái.

Ngành dừa Việt Nam không chỉ là ngành kinh tế nông nghiệp có tiềm năng lớn mà còn là hình mẫu lý tưởng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, từ thân, lá, trái, đến vỏ và xơ dừa,... tất cả đều có thể được tái sử dụng, tạo ra những giá trị mới, hạn chế lãng phí tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, cây dừa với khả năng chịu hạn tốt và thích nghi cao cũng là giải pháp nông nghiệp hiệu quả để ứng phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Ông Nicolas, đại diện doanh nghiệp FDI (vốn Hà Lan, trụ sở tại TP. Cần Thơ) tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nicolas, đại diện doanh nghiệp FDI (vốn Hà Lan, trụ sở tại TP. Cần Thơ) tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Nguyễn Thị Linh, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, ngành dừa là một mô hình tích hợp đa giá trị, thể hiện đầy đủ nông nghiệp tuần hoàn. Đầu tư phát triển ngành công nghiệp dừa không chỉ đơn thuần là đầu tư vào một ngành sản xuất, thương mại mà chúng ta đang đầu tư để đem lại giá trị của lối sống.

“Cây dừa từ hoa, lá, trái, trong trái thì từ xơ dừa, cùi dừa, sọ dừa đều đem lại những sản phẩm có ý nghĩa đối với an ninh lương thực, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, y tế, tơ sợi. Tuy nhiên, phần năng lượng từ dừa (xăng sinh học và than hoạt tính) mới chính là phần có giá trị nhất”, bà Linh nói.

Bà Linh cũng cho biết thêm, toàn thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng dừa nhưng đến thời điểm này chỉ có 179 quốc gia có mặt hàng này để xuất khẩu, trong đó có từ 5-6 quốc gia đạt sản lượng xuất khẩu trên 90% (đứng đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Hà Lan). Qua đó, cho thấy tiềm năng lớn của ngành chế biến, xuất khẩu dừa Việt Nam.

Tại hội nghị diễn ra lễ ký kết MOU hợp tác giữa đại diện tỉnh Tiền Giang và Hiệp hội dừa Việt Nam và Ngân hàng Quân đội (MBBank). Ảnh: Minh Đảm.

Tại hội nghị diễn ra lễ ký kết MOU hợp tác giữa đại diện tỉnh Tiền Giang và Hiệp hội dừa Việt Nam và Ngân hàng Quân đội (MBBank). Ảnh: Minh Đảm.

Cơ hội hình thành liên kết tin cậy, thu hút đầu tư

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dừa nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững đến phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu. Những yếu tố này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và định hướng chiến lược để ngành dừa không chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Diễn đàn là bước đi quan trọng để cùng nhìn nhận lại tiềm năng to lớn của ngành dừa và thảo luận các giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết những thách thức. Mục tiêu không chỉ là thúc đẩy xuất khẩu mà còn xây dựng ngành dừa Việt Nam trở thành một ngành hàng bền vững, tích hợp đa giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn - một xu thế tất yếu của thế giới  .

Bà Trần Thị Hơn, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Xuất khẩu Quốc tế Ngọc Trà (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) tham dự Diễn đàn chia sẻ: “Tôi muốn tham gia Diễn đàn để tìm được nguồn xuất khẩu, để đưa trái dừa mình ra tầm thế giới. Vì hiện tại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhập nguyên liệu, giá dừa đang rất cao mà giá bán ra rất thấp. Hiện tại, dừa treo buồng không đủ nguyên liệu nhưng giá bán ra không tăng. Tôi muốn gặp các hộ, hợp tác xã thu mua dừa để liên kết có giá nguyên liệu ổn định để sau này xuất khẩu ổn định hơn”.

Ông Zhou Tusheng, Tổng Giám đốc Công ty HLJ Industrial cho hay, đang gặp khó về giá dừa nguyên liệu và một số khó khăn liên quan công tác thu mua tại Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Zhou Tusheng, Tổng Giám đốc Công ty HLJ Industrial cho hay, đang gặp khó về giá dừa nguyên liệu và một số khó khăn liên quan công tác thu mua tại Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Zhou Tusheng, Tổng Giám đốc Công ty HLJ Industrial, đến từ Quảng Đông - Trung Quốc cho biết, trước mắt công ty có 4 xưởng sản xuất dừa được phân bố tại các tỉnh Quảng Đông, Hồ Bắc, Sơn Đông. Công suất từ 500-700 tấn dừa nguyên liệu mỗi ngày. Hiện, doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhà máy chế biến nước dừa, nước cốt dừa cấp đông, tận dụng các nguyên liệu khác từ trái dừa, cơm dừa nạo sấy, gáo dừa để làm than hoạt tính...

Tuy nhiên, ông Zhou Tusheng cho hay đang gặp khó về giá dừa nguyên liệu và một số khó khăn liên quan công tác thu mua tại Việt Nam. Ông bày tỏ được chính quyền địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ để hợp tác cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Diễn đàn, các đại biểu còn thảo luận các giải pháp và chính sách hỗ trợ phát triển ngành dừa nhằm tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu, xây dựng giải pháp phát triển bền vững, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm và mô hình thành công trong việc phát triển chuỗi giá trị dừa - từ vùng nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu; kết nối đối tác trong và ngoài nước.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết, địa phương có diện tích dừa lớn thứ hai cả nước khoảng 28.000ha, trong đó có khoảng 6.000ha dừa hữu cơ, 10 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông cho hay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở NN-PTNT xây dựng đề án phát triển toàn diện cây dừa, đưa dừa trở thành cây trồng chủ lực đứng thứ hai sau cây lúa.

“Tỉnh có định hướng mời gọi đầu tư phát triển hai dòng sản phẩm dừa tươi và dừa chế biến công nghiệp, phát triển đa dạng hóa nhưng sản phẩm có trọng tâm. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ dừa. Chính sách thu hút đầu tư như quy định của Trung ương và một số chính sách riêng của tỉnh”, ông Lê Văn Đông nói.

Ngành NN-PTNT đề xuất 9 giải pháp. Đó là phối hợp các viện, trường nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thị trường; tổ chức tuyên truyền tập huấn khoa học, các giải pháp phòng trị sâu bệnh; tập trung phát triển thủy lợi, giao thông phục vụ trung chuyển hàng hóa; tham mưu đề xuất ban hành các chính sách liên quan; tăng cường quản lý nhà nước…

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phát biểu kết luận Diễn đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phát biểu kết luận Diễn đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Nicolas, đại diện một doanh nghiệp FDI (vốn Hà Lan, trụ sở tại TP Cần Thơ) chia sẻ dự kiến và kế hoạch phát triển kinh doanh dừa hữu cơ tại Việt Nam. Ông cũng gợi mở vấn đề mấu chốt trong việc phát triển ngành dừa.

Đầu tiên, phải quan tâm đến việc làm sao có được nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng, nhất là phải có chứng nhận GlobalGAP. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tiên là giống dừa có khả năng chống chịu tốt điều kiện thiên nhiên sâu bệnh, hạn mặn. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh cần lưu tâm đến phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành dừa.

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các đối tác quốc tế để triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, kết nối chuỗi cung ứng để thúc đẩy chuỗi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dừa, hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đảm bảo ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.