| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng không thuốc BVTV

Thứ Năm 16/07/2015 , 06:11 (GMT+7)

Tỉnh An Giang thực hiện cánh đồng 400 ha trồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy… đã mang lại kết quả cao cho bà con nông dân.

Từ đó giảm bớt gánh nặng đầu vào, mà năng suất không thua so với SX lúa thông thường.

3 tháng không phun

Nghe chuyện làm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy… thật khó tin. Được sự giới thiệu của một người đứng đầu ngành BVTV tỉnh, chúng tôi đến vùng trồng lúa ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú thấy tin tưởng hoàn toàn.

Đã hơn 11 giờ trưa, được một cán bộ Trạm BVTV huyện An Phú nhiệt tình dẫn đường chúng tôi vượt đò, chạy xe gần 5 km trên con đê ngoằn ngoèo mới đến cánh đồng 400 ha canh tác lúa không thuốc trừ sâu của hơn 100 hộ nông dân. Nhà sàn nằm dưới tán cây cổ thụ mát rượi cũng là nơi nông dân nghỉ trưa để chia sẻ kinh nghiệm đồng áng.

Ông Nguyễn Văn Lực ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc là nông dân đầu tiên cả gan làm lúa không phun thuốc trừ sâu. “Hồi đó, cách đây 10 năm, khi nghe nói về chuyện làm lúa không phun thuốc, các lão nông đều phán một câu xanh rờn, xịt đủ thứ thuốc còn không ăn thua gì, không thuốc trừ sâu có mà húp cháo”, ông Lực nói.

Chỉ sau vài vụ đầu huề vốn (vì chưa có kinh nghiệm), ông Lực được Trạm BVTV huyện mở lớp tập huấn chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Vụ đầu tiên áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác lúa bắt đầu có lãi và ông áp dụng cho đến nay. Đặc biệt, khi giá lúa rớt sâu thì cách làm của ông càng phát huy hiệu quả vì không tốn tiền mua thuốc BVTV nên giảm giá thành ở mức thấp nhất, tăng lợi nhuận.

Ông Lực minh chứng, ngay cả khi lúa rớt dưới 4.200 đ/kg vẫn có lãi. Vụ đông xuân vừa rồi, vì không sử dụng thuốc trừ sâu nên tính ra 1 ha chỉ tốn chi phí hơn 14 triệu đồng, 8 tấn lúa thu hoạch bán được hơn được 34 triệu, sau khi trừ hết chi phí gia đình ông lãi trên 22 triệu.

Canh tác lúa gần ruộng của ông Lực, nông dân Trình Văn Vinh từ hai bàn tay trắng, nhờ thuê 8 công ruộng mà học theo ông Lực để áp dụng KHKT mới trong canh tác lúa như chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, không dùng thuốc trừ sâu nhưng vụ nào năng suất lúa cũng cao hơn so với ruộng SX thông thường vài trăm kg/ha.

Ông Vinh kể, khi mới bắt tay vào làm ruộng nghe nói không phun thuốc sâu, rầy... ông chẳng tin, khi thấy ruộng gần bên không dùng thuốc cuối vụ vẫn cho năng suất cao.

"Tôi làm thử 2 công áp dụng theo quy trình không phun thuốc BVTV trong 3 tháng kết quả bất ngờ, ruộng cho năng suất cao hơn từ 20 -3 0 kg lúa/công (công 1.000 m2), chi phí đầu tư lại thấp. Từ kết quả nên các vụ sau tôi chuyển toàn bộ diện tích còn lại áp dụng quy trình canh tác mới, không phun thuốc ở bất cứ giai đoạn nào. Từ năm 2000 đến nay ruộng lúa đều cho năng suất cao, đến nay tôi đã áp dụng toàn bộ 12 ha", ông Vinh nói.

Không sợ lỗ

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nông dân làm theo cách làm của ông Lực và ông Vinh nhằm tăng hiệu quả, giảm giá thành SX. Ông La Văn Tùng, một trong những nông dân tiên phong “bắt chước” đã chuyển toàn bộ hơn 11 ha sang cách làm không phun thuốc trừ sâu, rầy.

“Nếu sử dụng thuốc trừ sâu, rầy, mỗi ha tốn thêm ít nhất không dưới 4 triệu, cộng thêm vài ba triệu tiền thuê công phun xịt nữa, giá thành SX bị đội lên cao. Vì vậy giá lúa thấp thì không lời nổi. Từ khi bắt chước làm lúa không thuốc trừ sâu rầy, tôi không còn thấp thỏm lo sợ thua lỗ”, ông Tùng phấn khởi cho biết.

Ông Lực chia sẻ: "Trong vụ lúa thời gian canh 3 tháng, sẽ có 3 loại sâu gây hại cho lúa là bọ trĩ, sâu cuốn lá và rầy nâu. Muốn tránh bọ trĩ, cần vệ sinh đồng ruộng thật sạch, san bằng mặt ruộng, xuống giống đồng bộ, tháo nước khô ráo sau sạ và chọn giống xác nhận.

Rầy nâu mỗi vụ có 2-3 đợt xuất hiện, để phòng tránh hiệu quả cần theo dõi thường xuyên rầy vào bẫy nhiều hay ít. Tháo nước trên ruộng để rầy con bám vào gốc lúa gần ở phần mặt đất. Cần theo dõi thường xuyên, thấy rầy chích hút và sinh sản ở phần gốc cách mặt đất khoảng 1-1,5 cm, thân cây lúa chuyển thành màu xám hồng là trứng rầy đang trong giai đoạn sắp nở. Cho nước vào ngập khoảng nửa cây lúa, ngâm từ 3-5 ngày sẽ làm trứng rầy bị thối, sẽ giảm gây hại cho lúa khoảng 75-80%...".

Theo ông Bộ, dự kiến năm tới diện tích tăng lên 800 ha sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu của nông dân tham gia mô hình và mở rộng đến hướng năm 2020 là 2.000 ha. Lập thành vùng và có quy hoạch cụ thể, ký kết đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm; thêm lợi nhuận cho bà con.

Cách làm hiệu quả này đã được nông dân trong và ngoài huyện An Phú đã tìm đến tham quan. Họ được ông hướng dẫn đều thực hiện thành công.

Theo ông Lực, cách làm này không khó, chỉ cần thay đổi một số tập quán cũ như trồng giống lúa nhiễm sâu bệnh, sạ (gieo) dầy, bón phân không cân đối, quản lý nước trên ruộng không đúng…

Phương pháp sử dụng thiên địch

Ông Nguyễn Minh Bửu, Trưởng trạm BVTV huyện An Phú cho biết: Mô hình SX lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy ở xã Vĩnh Lộc đang giúp nhiều nông dân hạ giá thành SX lúa, vững vàng trước tình hình giá lúa bấp bênh.

Bước đầu những nông dân này thực hiện mô hình trên cơ sở áp dụng chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” do ngành nông nghiệp hướng dẫn. Cách làm của nhiều nông dân ở An Phú thực chất là trừ sâu, rầy bằng phương pháp sử dụng thiên địch. Không phun thuốc trừ sâu rầy là để bảo vệ thiên địch có ích. Thiên địch khống chế được dịch hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ chỉ, nhện gié… rất hiệu quả

Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú, Mai Văn Bộ cho biết: "Huyện đã và đang nhân rộng mô hình làm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu rầy. Đến nay đã có trên dưới 100 nông dân trong huyện tham gia với tổng diện tích trên 400 ha. Điều quan trọng là nhiều Cty đã đến đặt hàng những nông dân làm lúa không thuốc trừ sâu. Lúa SX theo cách này cũng đang có giá nhỉnh hơn lúa khác từ 50 - 100 đ/kg. Nghĩa là lúa sạch đang có đầu ra tốt".

Xem thêm
Nâng cao hiệu quả canh tác cho nông nghiệp Việt Nam

CẦN THƠ Công ty Phân bón Việt Nhật JVF và Công ty XAG Mekong vừa ký hợp tác chiến lược nhằm mang đến những giải pháp canh tác hiệu quả và bền vững hơn cho nông dân...

4/6 mẫu thức ăn chăn nuôi của 2 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn

4/6 mẫu thức ăn chăn nuôi của 2 doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ không đạt các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn công bố, bị xử phạt 32 triệu đồng.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?