| Hotline: 0983.970.780

Dân đồng lòng hiến đất, chặt cây làm giao thông nông thôn

Thứ Ba 21/03/2017 , 13:35 (GMT+7)

Nếu tại các địa phương khác, việc huy động người dân hiến đất, phá bỏ cây trồng, các công trình trên đất… và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn gặp không ít khó khăn thì...

Nếu tại các địa phương khác, việc huy động người dân hiến đất, phá bỏ cây trồng, các công trình trên đất… và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn gặp không ít khó khăn thì ở thôn 2, xã Cư Suê (huyện CưM’gar, tỉnh Đăk Lăk) lại khá dễ dàng, bởi sự đồng lòng ủng hộ của người dân.

09-53-41_ntd0002
Ông Nguyễn Tấn Phát (trái) trên phần đường trước đây là đất của gia đình mình
 

Nhờ đó nhiều tuyến đường đã nhanh chóng được giải phóng mặt bằng để mở rộng, nâng cấp, góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí số 02 trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Chỉ sau thời gian ngắn, 04 tuyến đường dài hơn 02 km ở thôn 2 đã nhanh chóng được giải tỏa mặt bằng để làm đường. Trong đó, tuyến đường dài nhất là 01 km, ngắn nhất cũng 200 m.

Có được kết quả này, ngoài hỗ trợ về công máy của UBND xã còn có sự góp sức không nhỏ từ người dân. Mỗi hộ dân hai bên đường đã tự nguyện lùi vào 0,5m để mở rộng, nâng cấp tuyến đường, với tổng diện tích hơn 2.000 m2. Việc hiến đất đồng nghĩa phải chặt bỏ hồ tiêu, cây ăn trái… nhưng họ vẫn sẵn sang, xem đây là trách nhiệm của công dân đối với quê hương, không nề hà, tính toán thiệt hơn.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Phát (74 tuổi) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông. Đất của gia đình trải dài 80 m, theo quy định mỗi bên lùi vào 0,5 m nên diện tích đất phải hiến lên đến 40m2, đồng thời phải chặt đi 01 hàng cau trồng hơn 20 năm với nhiều trụ hồ tiêu đã gần phủ trụ. Vì lợi ích chung, ông vẫn sẵn sàng hiến đất và đóng góp thêm 04 triệu đồng để bê tông tuyến đường.

Dẫn chúng tôi ra phần đường trước đây là đất của gia đình mình, ông Phát vui vẻ nói: “Cây hồ tiêu trồng lại được, còn để có hàng cau như vậy phải mất rất nhiều năm, tiếc lắm chứ nhưng gia đình vẫn vui vẻ hiến đất để công trình được làm kịp thời”.

Gia đình bà Lê Thị Xuân là hộ vừa thoát nghèo, thu nhập hàng năm chỉ trông vào 08 sào cà phê và 12 trụ tiêu trước nhà… Tuy nhiên, khi thôn đến tuyên truyền, vận động ngoài đóng góp 3,5 triệu đồng, gia đình còn sẵn sàng hiến toàn bộ số trụ tiêu để nhường 32m2 đất cho địa phương làm đường. Giờ đây, tuyến đường dài hơn 265 m trước nhà bà đã được giải phóng xong mặt bằng, mở rộng làn đường.

Vừa tranh thủ dọn dẹp lại trước nhà khi đoạn đường vừa được san gạt, bà Xuân vừa vui vẻ nói: “Tuyến đường này nhỏ, hẹp nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi... Nghe nói làm đường tôi mừng lắm, đóng góp vậy chứ hơn nữa gia đình vẫn sẵn sàng…”.

Việc huy động người dân hiến đất, phá bỏ cây trồng, công trình trên đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông NTM không chỉ mới được thôn 2, xã Cư Suê thực hiện trong năm nay mà được triển khai từ nhiều năm trước. Dù cuộc sống của nhiều gia đình còn khó khăn nhưng nhờ tuyên truyền, vận động và thuyết phục một cách hợp lý đã khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của bà con.

Nhờ đó, riêng từ năm 2015 đến nay thôn đã bê tông hóa được 500 m đường và nâng cấp, sửa chữa hơn 01 km đường cấp phối, tổng kinh phí thực hiện hơn 210 triệu đồng. Có đường mới, việc đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn.

Ông Hoàng Đình Tuấn Anh – trưởng thôn 2, xã Cư Suê cho biết: “Thôn triển khai làm đường từ năm 2013, ngoài hiến đất, chặt bỏ các cây trồng, kiến trúc trên đất bà con đã thống nhất đóng góp 500.000 đồng/hộ/năm để lấy kinh phí làm đường, đến khi nào các tuyến đường trong thôn làm xong mới thôi. Hiện UBND xã đang hỗ trợ giải tỏa, gạt, lu lấy lại nền đường.

Khi tiến hành giải tỏa nhiều hộ cũng tỏ ra khó chịu nhưng được tuyên truyền, vận động thì bà con đều vui vẻ tham gia. Trong 04 tuyến đường được giải tỏa lần này thôn sẽ tiến hành bê tông hóa 2 tuyến, với chiều dài 400 m, kinh phí gần 200 triệu đồng. Đối với những hộ hưởng lợi trực tiếp phải đóng góp thêm 50.000 đồng/m…”.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.