| Hotline: 0983.970.780

Hoa hậu để làm gì?

Thứ Hai 05/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Thử nhìn lại các người đẹp đã đăng quang Hoa hậu, mới giật mình thấy rằng hình ảnh của họ đối với cuộc sống cộng đồng còn mờ nhạt./ Nhan sắc đất cảng đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015

Sau cuộc thi năm 2008, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam bị gián đoạn đến 7 năm vì… nợ nần. Đêm chung kết Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2015 vừa diễn ra đêm 3/10 tại Nha Trang, đã tôn vinh một nhan sắc mới.

Đó là Phạm Thị Hương, 23 tuổi, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch TP HCM.

Nếu không tính vương miện được cho là có giá 2,2 tỷ đồng thì phần thưởng dành cho tân Hoa hậu cũng khá lớn: tiền mặt 200 triệu đồng, một năm sử dụng căn hộ cao cấp và xe sang.

Thế nhưng, những ưu ái vật chất ấy liệu có đảm bảo sự đóng góp của Hoa hậu cho xã hội sẽ ngày càng nhiều hơn?

Tùy theo thời cuộc, cách đánh giá mỹ nhân có sự khác biệt, nhưng rõ ràng mỹ nhân càng được trọng vọng thì càng phải có trách nhiệm với xã hội.

Sau 40 năm non sông liền một dải, không kể các cuộc thi cấp địa phương hoặc cấp… hội chợ, đã có thể kể ra hàng loạt tên tuổi cỡ quốc gia như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thu Thủy, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thiên Nga, Nguyễn Ngọc Khánh, Phan Thu Ngân, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Thùy Dung, Ngọc Hân…

Thế nhưng, cảm giác họ để lại cho người đời là những bóng hoa hơn là những dáng hoa và những hương hoa! Vậy vương miện Hoa hậu sinh ra để làm gì?

Tuyển chọn và thi thố người đẹp có lẽ xuất phát từ nhu cầu ở cung vua phủ chúa thời xưa. Lịch sử Trung Quốc tự hào có nhiều mỹ nhân lừng danh thiên hạ như Tây Thi, Đắc Kỷ, Bao Tự, Điêu Thuyền…

Mỗi triều đại có một cách chọn người đẹp khác nhau. Thời Tần chuộng phụ nữ chất phác và khỏe mạnh. Thời Hán chuộng phụ nữ đoan trang, nhu mì. Thời Tấn chuộng phụ nữ đa tài khéo nói và phóng khoáng phong nhã. Thời Tùy Đường chuộng phụ nữ nở nang to lớn. Thời Tống Liêu chuộng phụ nữ nhỏ nhắn.

Còn thời Minh Thanh lại có cách chọn phụ nữ khá đặc biệt, kết hợp cả đức độ và nhan sắc, cả cương và nhu. Từ năm ngàn thiếu nữ tuổi từ 13 đến 16 tụ hội từ khắp nơi về, các quan Thái giám sẽ loại ngay một ngàn người hơi cao, hơi gầy, hơi lùn và hơi béo.

Sang vòng thứ hai, một ngàn người mắt, mũi, tai, da… không đẹp thì bị loại tiếp. Vòng thứ ba, một ngàn người có giọng không hay và khả năng ứng đối kém sẽ hết cơ hội. Vòng tiếp theo, cũng do Thái giám thực hiện, loại thêm một ngàn người tay chân hơi ngắn hoặc bàn chân hơi thô.

Theo cuốn “Minh Ý An hoàng hậu ngoại truyện” thì một ngàn người sau khi được các quan Thái giám chọn, sẽ được triệu vào cung để các “bà mụ” kiểm tra kỹ lưỡng về thân thể, sau đó còn lại ba trăm người.

Và trong một tháng lưu lại trong cung, ba trăm người này sẽ được những người thân tín của nhà vua quan sát tỉ mỉ về tính cách cũng như trí tuệ. Kết quả cuối cùng 50 người được chọn làm phi tần.

Và khi cần chọn người tiến cử trực tiếp vào vị trí thứ phi thì Thái hậu sẽ cho người thử tài viết chữ, vẽ tranh hoặc làm thơ của 50 phi tần và chọn ra ba người.

Cho đến nay chưa thấy một quỹ tương trợ phụ nữ hoặc quỹ khuyến học mang tên Hoa hậu nào. Điều đó không phải đáng băn khoăn ư?

Từ câu chuyện hồi nảo hồi nao cho thấy chọn ra người đẹp có danh hiệu không đơn giản chút nào. Xã hội ngày nay cởi mở hơn, các cuộc thi Hoa hậu mở ra nhiều hơn, nhưng vì vậy mà trách nhiệm của Hoa hậu cũng nặng nề hơn.

Thử nhìn lại các người đẹp đã đăng quang Hoa hậu, mới giật mình thấy rằng hình ảnh của họ đối với cuộc sống cộng đồng còn mờ nhạt.

Chúng ta chưa tạo điều kiện cho Hoa hậu hay Hoa hậu không có ý thức cống hiến? Những cuộc vận động lớn của cả nước, sao ít thấy các Hoa hậu xuất hiện?

Từ danh hiệu cao quý, Hoa hậu dễ dàng có cơ hội có cuộc sống đầy đủ, thậm chí sung túc cùng những đấng phu quân giàu sang. Và dĩ nhiên không ai có quyền đòi hỏi họ phải làm cái này cái nọ cho đất nước, nếu họ không muốn và không có nhu cầu.

Thế nhưng, nếu đội trên đầu cái vương miện Hoa hậu mà chỉ lo vun vén hạnh phúc cá nhân thì cũng uổng phí quá chăng?

Khi được khoác lên mình hình bóng họa mi thì phải xứng đáng là họa mi chứ. Không thể dùng danh phận họa mi để thụ hưởng quyền lợi họa mi, tham dự lễ hội họa mi, đón nhận sự trọng vọng họa mi rồi thảng thốt phân bua: “Đừng đòi hỏi gì ở tôi, tôi chỉ là con chim sẻ!”.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2015 tổ chức theo đúng phiên bản Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới, ít nhiều cho thấy mong muốn của cộng đồng được chứng kiến nhan sắc Việt trên bản đồ nhân loại.

Xem thêm
Nhà văn Đào Thắng vẫy tay chia biệt ‘dòng sông mía’

Nhà văn Đào Thắng, tác giả tiểu thuyết ‘Dòng sông mía' nổi tiếng viết về nông thôn Bắc bộ, vừa qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.