Hải sản tươi sống tôm, cá biển trong tình trạng không có hàng để bán. Khắp các chợ truyền thống, chợ lẻ các tiểu thương lấy cớ nguồn cung ít đẩy giá thịt lợn, rau xanh, hàng ăn uống, dịch vụ cao ngất ngưởng.
Thực phẩm tiếp tục neo giá cao
Tại nhiều chợ lớn ở Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Cống Vị, chợ Linh Lang… giá xương cục, xương ống lên tới 130.000 - 140.000 đ/kg, cao gấp 2,5 lần so với những ngày trước Tết.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 10 ngày, nhiều người từ quê trở lại thành phố để đi làm. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi chợ mua sắm thực phẩm nên nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao.
Rau xanh cũng nằm trong vùng tăng giá mạnh. Rau cần, cải xanh có giá từ 10.000 - 15.000 đ/mớ, su hào 4.000 - 5.000 đ/củ, hoa lơ 15.000 - 25.000 đ/bắp, xà lách từ 15.000 - 20.000 đ/kg... Còn các loại rau đặc sản như cải làn Lạng Sơn, ngồng cải… không có hàng để bán.
Các loại nấm đóng gói như nấm kim chi có giá 30.000 đồng/gói 150 gam so với mức giá 15.000 - 20.000 đ/gói trước Tết.
Riêng các mặt hàng thủy sản ở các chợ giá tăng mạnh nhất, hiện các tiểu thương kinh doanh tại chợ chỉ bày bán các loại tôm, cá nuôi là chủ yếu. Các loại cá biển cũng chỉ là hàng đông lạnh dự trữ từ trước Tết, song lượng hàng ít. Một số tiểu thương khẳng định: “Ra Tết không có hàng để bán”. Tại chợ Thành Công cá diêu hồng tăng từ 45.000 lên 80.000 đ/kg, cá lóc nuôi tăng từ 55.000 lên 90.000 đ/kg, tôm tăng từ 200.000 lên 300.000 đ/kg.
CPI tháng 2 tăng mạnh
Theo nhiều người bán thực phẩm, giá thực phẩm, rau xanh sẽ hạ nhiệt chút ít sau một vài ngày nữa khi chợ họp bình thường trở lại và khi các siêu thị có nguồn hàng dồi dào. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường các năm, phải tới sau rằm tháng Giêng, thực phẩm, rau xanh mới có thể quay về đúng giá cả thông thường khi việc cung cấp, vận chuyển hàng hóa trở lại bình thường.
Giá các mặt hàng thực phẩm như gia cầm, trứng tăng cao sau Tết
Tuy nhiên, điều đáng bàn trong khi giá hàng hóa tại các chợ cóc, chợ lẻ tăng mạnh thì đại diện một số chủ trang trại chăn nuôi cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, giá lợn hơi các trại bán ra chỉ khoảng 40.000 đ/kg. Giá thịt lợn tại các chợ đầu mối chỉ tương đương ngày thường và lượng tiêu thụ cũng chỉ tương đương mọi năm.
Tại các địa phương khác, như Hải Phòng, Nghệ An nhiều mặt hàng liên quan tới thực phẩm vẫn neo giá ở mức cao. Nếu cơ quan chức năng không có sự can thiệp kịp thời để phòng chống tình trạng làm giá hàng hóa, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung của thị trường cũng như quyền lợi người tiêu dùng.
Theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2013 sẽ tăng khoảng 1% so với tháng 1/2013. Trong khi đó, CPI tháng 1 tăng 1,25%.
Số liệu thống kê trong nhiều năm qua cho thấy, CPI tháng 2 thường cao hơn CPI tháng 1. Tính bình quân từ năm 2004 đến năm 2011, hệ số giữa CPI tháng 2 so với tháng 1 là 1,77 lần.
Chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, Chỉ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, giá cả sau Tết biến động thế nào là điều không thể bỏ qua, cứ sau dịp Tết Nguyên đán là lại thiết lập một mặt bằng giá mới.
Dự đoán về CPI tháng 2, ông nói, Tết Nguyên đán nằm trọn trong tháng 2, do vậy CPI sẽ tăng mạnh.
Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như giá bán điện, giá bán than sản xuất điện…; tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp.
Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa được trợ cước, trợ giá phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa; đồng thời kiểm soát việc cam kết thực hiện về giá đối với các mặt hàng được hỗ trợ vốn từ chương trình bình ổn giá. Kiểm soát chi từ ngân sách Nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên được triển khai thực hiện nhằm kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách; tiếp tục thực hiện cơ chế thị trường định giá, các doanh nghiệp cạnh tranh về giá đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ.