| Hotline: 0983.970.780

Khí thải liên quan xuất khẩu chiếm hơn 1/3 tổng lượng phát thải của Việt Nam

Thứ Năm 21/11/2024 , 22:04 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra nhiều vấn đề mà Việt Nam đang mắc phải khi tập trung vào mũi nhọn xuất khẩu suốt thời gian dài.

Tỷ lệ khí thải CO2 liên quan đến xuất khẩu so với tổng lượng phát thải của cả nền kinh tế tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguồn: WB.

Tỷ lệ khí thải CO2 liên quan đến xuất khẩu so với tổng lượng phát thải của cả nền kinh tế tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguồn: WB.

Trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.

Với nền tảng thành công sẵn có, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới, theo WB.

Cũng theo tổ chức này, việc đạt được mục tiêu phụ thuộc vào khả năng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải thực hiện quá trình chuyển đổi này trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động sâu sắc.

Trong báo cáo Đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, WB chỉ ra rằng mô hình tăng trưởng hiện nay của nước ta chủ yếu dựa vào xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động nhưng đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp. Điều này đem lại thành công trong thời gian vừa qua, nhưng chưa đủ để đưa Việt Nam lên nhóm thu nhập cao.

Bên cạnh đó, hội nhập thương mại ở Việt Nam đến nay chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài thúc đẩy. 73% kim ngạch xuất khẩu đến từ nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực không có khả năng giao dịch thương mại, như các dịch vụ truyền thống, xây dựng hoặc bất động sản, chưa có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong năm 2023, chỉ có 18% doanh nghiệp trong nước có kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu, giảm 17 điểm % so với năm 2009. Vì vậy, Việt Nam mới thu về một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị hàng xuất khẩu.

Một thời gian dài, mô hình xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào gia công lắp ráp ở khâu cuối. Trong khi, tỷ trọng hàm lượng dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12%, thấp hơn 7% so với các mặt hàng chế tạo chế biến xuất khẩu.

Số liệu của WB cho thấy, các quốc gia khác, chẳng hạn Hàn Quốc, có hàm lượng dịch vụ chiếm ít nhất gấp 2 lần so với tổng giá trị xuất khẩu.

Kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính là khuyến cáo của WB dành cho Việt Nam. Ảnh: WB.

Kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính là khuyến cáo của WB dành cho Việt Nam. Ảnh: WB.

Các ngành dịch vụ của Việt Nam còn phải đối mặt với rào cản thương mại và đầu tư lớn. Những rào cản đó không những cản trở sự gia nhập của các tổ chức dịch vụ nước ngoài, mà còn giảm áp lực cạnh tranh cho các tổ chức trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt gồm năng lượng, tài chính và viễn thông.

WB đánh giá, thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, là nhờ nguồn cung lao động giá rẻ, dồi dào, có kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến mức lương trội của lao động kỹ năng tụt giảm.

Thống kê cho thấy, một bộ phận nhỏ lực lượng lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến (khoảng 5%) được cho là có kỹ năng cao, và chỉ có 10% dân số có bằng cử nhân, thấp hơn hầu hết các quốc gia mà WB đối chứng, ngoài Indonesia.

Đặc biệt, tăng trưởng và chế tạo chế biến trong 30 năm vừa qua đã gây ra nhiều vấn đề về phát thải khí nhà kính. Khí thải CO2 trong sản xuất chế tạo chế biến ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP, trong đó khí thải liên quan đến hàng xuất khẩu đến nay đã chiếm trên 1/3 tổng lượng khí thải CO2 của Việt Nam - cao hơn bất kỳ quốc gia so sánh nào trong khu vực.

Cùng với đó, phần lớn năng lực chế tạo chế biến xuất khẩu của Việt Nam (các khu công nghiệp) đều tập trung ở những địa bàn có nguy cơ thiên tai, thường chịu nguy cơ ngập lụt ven biển hoặc ven sông.

Dựa trên những phân tích trên, WB khuyến cáo một số giải pháp chính sách, với trọng tâm bao gồm đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao và kỹ năng chuyên sâu và khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ; và chuyển đổi sang mô hình sản xuất carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn,” bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, đồng thời nhấn mạnh, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ hữu ích để Việt Nam xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài.

Thời gian tới, Việt Nam được đề xuất chuyển dịch sang nền sản xuất sạch hơn và giảm phát thải nhiều hơn, không chỉ góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu, mà còn duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Việt Nam cũng cần vươn lên trong nấc thang về giáo dục và kỹ năng. Song song với đó, tăng cường kết nối và tạo hiệu lực lan tỏa về năng suất từ doanh nghiệp xuất khẩu sang các thành phần còn lại trong nền kinh tế. Điều này sẽ đem lại tác động tích cực về tăng trưởng năng suất, đồng thời khiến các chuỗi cung ứng được ăn sâu, bén rễ vào nền kinh tế trong nước.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.