Trong những tháng đầu năm, các mặt hàng nông thủy sản XK chủ lực của VN tiếp tục chịu ảnh hưởng của “cơn bão” khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới khi sức mua tại nhiều thị trường trọng điểm suy giảm. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực và lối đi riêng, nhiều ngành hàng đã hạn chế tối đa những yếu tố bất lợi, tìm kiếm thêm thị trường mới…
GẠO - CÚ “HÍCH” TỪ THỊ TRƯỜNG TẬP TRUNG
Hết quý 1, các DN đã ký hợp đồng XK được gần 3,6 triệu tấn gạo. Nếu trừ đi 1,451 triệu tấn gạo đã giao hàng đến 31/3 thì vẫn còn trên 2 triệu tấn để XK từ quý 2 trở đi. Như vậy, trong những tháng tới, các DN không còn phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm hợp đồng, thậm chí cắn răng ký cả những hợp đồng giá thấp, chỉ khoảng 380-390 USD/tấn (gạo 5% tấm) như trong quý 1 nữa, mà đã có thể đủng đỉnh hơn để lựa chọn những hợp đồng có giá cao.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các DN đã yên tâm về đầu ra. Nỗi lo này không đến từ những thị trường nhập khẩu, bởi từ quý 2 này trở đi, nhiều thị trường nhập khẩu sẽ bắt đầu mua gạo trở lại hoặc đẩy mạnh nhập khẩu gạo so với quý 1, mà lại đến từ những nước XK lớn, những đối thủ cạnh tranh chính của gạo Việt Nam.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL
Sản lượng lúa gạo tiếp tục tăng mạnh ở Thái Lan và Ấn Độ, đang khiến cho lượng gạo tồn kho ở những nước này tăng mạnh. Ở Thái Lan, lượng gạo trong các kho của Chính phủ đã lên tới khoảng 18 triệu tấn. Đây là một lượng tồn kho quá lớn, đang khiến cho Thái Lan bị lỗ hàng tỷ USD do giá thế chấp đang cao hơn khá nhiều so với giá thị trường hiện nay. Không những thế, nó còn đặt ra nhiều vấn đề khác như thiếu kho chứa, chất lượng gạo dự trữ giảm sút, tạo áp lực lớn đè lên thị trường …
Ở Ấn Độ, đến đầu tháng 3 vừa rồi, lượng gạo dự trữ trong các kho của Nhà nước đã lên tới 35,8 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với mức dự trữ cần thiết là 11,8 triệu tấn. Nói chung, mức tồn kho gạo ở cả Thái Lan và Ấn Độ đều đã tới con số có thể nói là khổng lồ. Chính vì vậy, khả năng những nước này đẩy mạnh XK gạo, kể cả XK với giá rẻ, để giải phóng bớt kho bãi là rất lớn. Điều này đã thể hiện rõ ràng ở Ấn Độ, khi nước này đã cho phép XK gạo liên tục, không hạn chế về số lượng. Và đây là năm thứ 3 liên tiếp Ấn Độ không hạn chế XK gạo.
Nhưng nỗi lo lớn nhất của ngành lương thực Việt Nam là từ phía Thái Lan, vì đây là đối thủ cạnh tranh chính của hạt gạo nước ta trên nhiều thị trường quan trọng. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: “Thái Lan mà đẩy 4-5 triệu tấn gạo dự trữ ra thị trường sẽ gây khó khăn cực lớn cho các DN Việt Nam. Vì thế, các DN đang lo canh cánh, ăn ngủ không yên trước khả năng Thái Lan sẽ chấp nhận bán lỗ để giải quyết tồn kho”.
Nếu Thái Lan giải phóng hàng triệu tấn gạo tồn kho với giá rẻ, chắc chắc việc tìm kiếm những hợp đồng thương mại của các DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc giữ vững và đẩy mạnh ký kết các hợp đồng XK vào những thị trường tập trung là rất cần thiết, bởi những hợp đồng XK vào thị trường tập trung sẽ giúp cho việc XK gạo tiếp tục ổn định và nhất là giữ, hoặc có thể giúp giá gạo Việt Nam tăng lên.
Trong quý 1, ở các thị trường tập trung, lượng hợp đồng đã ký còn khá thấp: Indonesia chưa tới 100 ngàn tấn, Malaysia 275 ngàn tấn. Nhưng ngay những ngày đầu tháng 4, đã có những tin vui đến từ một số thị trường tập trung khác. Đó là việc ký kết thành công hợp đồng XK gạo sang Ghinê với mức giao hàng 20 ngàn tấn mỗi tháng. Và sau đó là việc Việt Nam trúng thầu XK 187 ngàn tấn gạo sang Philippines với giá tốt. Đó là những cú hích quan trọng giúp cho XK gạo có thể khởi sắc hơn trong quý 2 này.
THỦY SẢN- GIỮ BẠN HÀNG TRUYỀN THỐNG
Quý 1 vừa rồi, XK thủy sản có thể nói là đã không thành công khi chỉ đạt 1,225 tỷ USD, giảm tới 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn trong quý 2 này? Theo ông Trương Đình Hòa, Tổng thư ký VASEP, mục tiêu XK thủy sản trong quý 2 cũng chỉ tương đương hoặc tăng một chút so với quý 1. Nguyên nhân chính là những khó khăn về mặt nguyên liệu và thị trường.
Về nguyên liệu, sản lượng cá tra nguyên liệu trong quý 2 được dự báo là sẽ giảm nhẹ, chỉ đạt khoảng 390 ngàn tấn. Nguồn tôm nguyên liệu cũng sẽ thiếu trong quý 2 do tình trạng dịch bệnh vẫn hoành hành, người nuôi tôm thiếu vốn cho sản xuất. Hải sản cũng khó tránh khỏi khả năng giảm nguồn cung nguyên liệu do giá xăng dầu tăng trong khi giá nhiều loại hải sản (nhất là cá ngừ), giảm mạnh trong quý 1 vừa rồi sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đánh bắt trong những tháng tới.
Tuy nhiên, nếu như khó khăn về nguyên liệu có thể bù đắp bằng nhập khẩu (với tôm và hải sản), thì những khó khăn về mặt thị trường sẽ nan giải hơn nhiều. Thị trường EU chưa phục hồi như mong muốn sẽ khiến cho XK cá tra sang khu vực này khó có thể tăng trưởng trong quý 2, còn XK tôm sẽ có thể bị tăng trưởng âm, và XK hải sản cũng bị tác động ít nhiều.
Việc đồng EURO bị mất giá so với đồng USD cũng khiến các nhà nhập khẩu bị lỗ tỷ giá trong thanh toán, nên lợi nhuận bị giảm, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc XK thủy sản của Việt Nam sang EU. XK cá tra sang Mỹ trong tháng 3 và tháng 4 đã bị chững lại bởi ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá tăng cao một cách vô lý, bởi phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại nước này trong đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 8.
Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, XK cá tra sang Mỹ sẽ không giảm một cách đột biến mà chỉ giảm chút ít, bởi các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn có nhu cầu đối với cá tra Việt Nam. Bằng chứng là nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã chấp nhận tăng giá mua cá tra của Việt Nam, dù mức tăng này chưa nhiều.
Người nuôi cá tra cũng không còn quá bức xúc về vốn để bán cá với giá thấp như trước, các DN đã giảm hẳn tình trạng phải nhắm mắt bán cá thành phẩm với mức dưới giá thành để quay vòng vốn nữa. Do đó, việc XK cá tra sang Mỹ sẽ không xấu đi nữa và xuất sang nước này trong quý 2, vẫn có thể duy trì ở mức như cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, XK tôm sang Mỹ trong quý này có thể tiếp tục sụt giảm như trong quý 1 (giảm 5,8% so với quý 1/2012), chủ yếu là do vụ kiện chống trợ cấp đã và đang tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như hoạt động sản xuất của nhiều DN XK tôm sang Mỹ.
Ở thị trường lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam là Nhật Bản, XK tôm vẫn tiếp tục gặp khó bởi rào cản Ethoxyquin. Tuy nhiên, với việc Nhật Bản đã công nhận hệ thống phòng kiểm nghiệm của Việt Nam, cùng với nhu cầu gia tăng trong khi lượng dự trữ tôm sú ở Nhật Bản hiện đang ở mức thấp, có thể sẽ giúp cho XK tôm Việt Nam sang nước này có sự cải thiện hơn trong quý 2.
Theo ông Hòe, trong tình hình khó khăn như hiện nay, XK thủy sản trong quý 2 chỉ đặt mục tiêu chính là duy trì chứ không phải là tăng trưởng như trước đây. Theo đó, công tác xúc tiến thương mại với các mặt hàng thủy sản cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, việc ổn định và giữ vững thị phần ở các thị trường truyền thống là rất cần thiết.
Vì dù XK vào những thị trường này đã và đang có thể tiếp tục suy giảm, nhưng khi thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện trên những thị trường này, thì mới có cơ hội để phục hồi XK trong những quý, năm tới.
TIÊU, CÀ PHÊ- TỪ QUÝ III SẼ “ĐỘI GIÁ”?
Bất chấp khó khăn về cả thị trường tài chính lẫn tiêu thụ trên toàn cầu, hai sản phẩm nông sản XK chủ lực của VN là tiêu và cà phê từ đầu năm đến nay tiếp tục thuận lợi khi giá bán đứng ở mức cao.
Với mặt hàng cà phê, nếu đầu vụ giá bán cà phê của bà con nông dân chỉ dao động ở mức 38 triệu đ/tấn, thì trong tháng 3 và đầu tháng 4 đã liên tục đi lên ở mức 42 – 43 triệu đ/tấn. Ở “mặt trận” XK, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, cà phê đã đem về kim ngạch gần 1 tỉ USD. Giá XK bình quân cũng liên tục đi lên, đạt trung bình 2.108 USD/tấn (tăng 13% so với cùng kỳ năm trước), trong đó hai thị trường tiêu thụ lớn nhất cà phê của VN tiếp tục là Đức và Hoa Kỳ.
Tương tự, mặt hàng hồ tiêu tiếp tục dự báo một năm “đại thắng” khi từ đầu vụ đến nay luôn đứng ở mức trên dưới 120 triệu đồng/tấn tiêu xô. Với giá này nông dân thu “siêu lợi nhuận” (trung bình lãi ròng 60 – 70 triệu đ/tấn). Riêng về XK, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm đã đạt 39.000 tấn, kim ngạch 242 triệu USD (tăng 11,8%). Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, Đức, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore.
Về dự báo tình hình giá cả, thị trường thời gian tới, hầu hết các chuyên gia đều tin tưởng, từ quý III/2013 khả năng sẽ có bước đột phá về giá khi nhiều yếu tố về cung – cầu trên toàn cầu đang có lợi cho mặt hàng cà phê và hồ tiêu.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Đức Tụng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) nhận định, lượng tiêu XK của VN trong những tháng đầu năm 2013 đạt cao nhất từ trước đến nay. Đây là yếu tố lạ cần xem xét kỹ, có thể cung – cầu đang “vênh”, giới đầu cơ nước ngoài nắm rõ tình hình nên chủ động gom tiêu của VN, sau đó đẩy giá lên cao trong vài tháng tới.
“Từ trước Tết Nguyên đán nông dân bán ra lượng tiêu rất lớn, gấp mấy lần cùng kỳ năm trước. Nhưng thời gian gần đây, bà con đã hạn chế bán, chủ động điều tiết lại lượng cung nhằm đảm bảo giá bán tốt hơn” – ông Tụng nói. Việc điều tiết nguồn hàng hồ tiêu, tránh bán ồ ạt cùng thời điểm của nông dân VN, được các chuyên gia nhận định sẽ có tác động đến thị trường hồ tiêu thế giới.
Do VN cung cấp tới hơn 50% sản lượng hồ tiêu XK hàng năm trên toàn cầu, mỗi động thái của vị “anh cả” này sẽ được các DN và tập đoàn đầu cơ quốc tế theo dõi sát sao. Họ cũng nắm rất rõ thông tin, sản lượng hồ tiêu của VN vụ này giảm mạnh tới 20% (tương đương 20.000 tấn).
Trong khi đó, Ấn Độ có sản lượng tiêu lớn thứ 2 thế giới (sau VN) vụ này thu khoảng 60.000 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đã hơn 40.000 tấn, số còn lại XK không nhiều. Một số nước như Malaysia, Indonexia, Brazin phải tới quý III và IV/2013 mới vào vụ, nhưng dự báo sản lượng cũng không mấy khả quan. Những yếu tố này đồng nghĩa với việc nguồn cung hồ tiêu luôn trong thế hạn hẹp và giá bán thời gian tới được dự báo sẽ còn khả quan hơn.
Về dự báo giá cả mặt hàng cà phê sắp tới, một thông tin rất quan trọng là Hiệp hội Cà phê – ca cao VN (Vicofa) khẳng định sản lượng của VN vụ này giảm tới 30% so với niên vụ 2011/12, khả năng chỉ đạt 1,2 triệu tấn. Cùng với VN, nhiều nước khác như Colombia cũng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình sâu đục thân tràn lan, khiến sản lượng cà phê của nước này khó có thể đạt được mức bình thường và không có dấu hiệu phục hồi.
Tại Trung Mỹ, khả năng sản lượng cà phê của Guatemala, Honduras và Nicaragua sẽ giảm so với niên vụ trước. Hiện đang có rất nhiều báo cáo về bệnh gỉ sắt xuất hiện tại một số quốc gia vùng Trung Mỹ khiến sản lượng cà phê có thể giảm đáng kể. Trong bối cảnh mùa vụ không mấy thuận lợi, lượng tiêu dùng cà phê thế giới được dự báo tăng 4 – 5%, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và các nước xuất khẩu.
Như vậy, nguồn cung cà phê không mấy thuận lợi, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng đều đặn sẽ là yếu tố quan trọng giúp giá cà phê VN thời gian tới đi lên.
HẠT ĐIỀU - THỊ TRƯỜNG SẼ CỰC KHÓ!
Ngay từ đầu vụ mới 2013, ngành điều đã “sa cơ” khi ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) khẳng định: Đang có quá nhiều khó khăn cho DN điều, từ mùa vụ cho đến giá thu mua nguyên liệu, chế biến, XK lẫn thị trường.
Đặc biệt, giá XK điều nhân của VN những tháng đầu năm rất thấp, chỉ đạt 6.400 USD/tấn, trong khi giá thành sản xuất lên tới 6.730 USD/tấn (đối với nguyên liệu trong nước). Chính vì thế, rất nhiều DN ồ ạt thu mua điều thô đầu vụ giá cao đã phải chịu thua lỗ (giá 1 tấn điều thô trong nước khoảng 1.300 USD, trung bình 4,1 tấn điều thô sản xuất được 1 tấn điều nhân XK, cộng với chi phí chế biến khoảng 1.200 USD/tấn).
Chế biến điều XK
Trước tình thế này, nhiều DN đã chọn phương án nhập khẩu điều thô từ Châu Phi với giá khá “mềm”, dao động từ 820 – 870 USD/tấn. Ông Thanh cho biết, dù nguyên liệu nhập khẩu không tốt bằng trong nước, phải dùng đến 4,8 tấn điều thô mới cho 1 tấn điều nhân, chi phí chế biến cũng đội lên 1.300 USD/tấn; nhưng tính tổng thể vẫn hiệu quả hơn cho DN. Cụ thể, tổng chi phí chế biến cho ra 1 tấn điều nhân (nguyên liệu Châu Phi) là 5.820 USD/tấn, giá XK là 6.000 USD/tấn, tính ra DN có thể lãi 180 USD/tấn.
Tuy nhiên, bài toán khó nhất là nguyên liệu điều Châu Phi đang ngày càng khó kiểm soát về chất lượng, đặc biệt năm nay nhiều lô hàng của họ trộn rất nhiều điều cũ (điều tồn từ các vụ mùa trước do một số quốc gia Châu Phi xảy ra nội chiến). Điều này cũng khiến các khách hàng khó tính thích điều nhân có nguồn gốc VN hơn Châu Phi. Đặc biệt, các DN rất dễ gặp rủi ro khi không may “dính” phải lô hàng quá cũ (mốc, bể, lên dầu…), chi phí chế biến sẽ tăng cao, giá bán lại giảm xuống và dễ bị mất thương hiệu, uy tín.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Chiểu – Phó Chủ tịch Vinacas còn cảnh báo, các DN khi nhập khẩu điều thô Châu Phi mà thực hiện phương thức thanh toán L/C trả ngay rất dễ bị “dính đòn”. “Số lượng và chất lượng điều thô của Châu Phi khi giao tới tay DN VN không đúng như cam kết, trong khi chúng ta lại trả trước tiền cho họ rồi, ai sẽ chịu trách nhiệm đây. Nếu khởi kiện sẽ rất mất thời gian, công sức và tiền bạc; đồng thời không đảm bảo hợp đồng ký kết với DN nhập khẩu điều nhân của ta”.
Vì thế, ông Chiểu đề nghị DN thay đổi phương thức mua bán điều thô với Châu Phi, chỉ trả tiền khi nào kiểm chứng được số lượng và chất lượng thực sự của lô hàng. Về tình hình thị trường, giá cả sắp tới, Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho rằng, rất khó để đảm bảo giá điều nhân XK sẽ lên cao. Tình hình kinh tế, tài chính thế giới vẫn rất xấu sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến giá điều nhân của VN và trước mắt trong ngắn hạn (quý II/2013) có thể nhiều DN sử dụng điều thô trong nước để chế biến, XK sẽ còn thua lỗ.
Để hạn chế sản xuất kinh doanh không hiệu quả, Vinacas đề nghị các DN không ồ ạt mua nguyên liệu điều trong nước với giá quá cao. Riêng điều thô nhập khẩu cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giảm tối đa chi phí chế biến và các rủi ro về hợp đồng ký kết với đối tác Châu Phi. Đặc biệt, các DN cần chú ý việc phân khúc thị trường, khai thác triệt để các thị trường mới nổi, đặc biệt là Ấn Độ có nhu cầu nhập khẩu điều nhân ngày càng lớn nhưng yêu cầu về chất lượng lại không quá khắt khe.
CAO SU- SẼ TIẾP TỤC TRẦM LẮNG!
* Gần 100 DN ngừng tham gia XK cao su
Trong 4 tháng đầu năm 2013, nhìn chung tình hình XK cao su thiên nhiên vẫn trong tình trạng “trầm lắng”, giá bán thấp, dao động bình quân ở mức 55-60 triệu đồng/tấn. Dự đoán kim ngạch XK năm nay chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, giảm 6,65% so với năm 2012…Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (Tập đoàn CNCS VN), sau chuỗi ngày tăng giá vào tháng 1, bước sang tháng 2, 3 và 4/2013, giá cao su nội địa và giá cao su XK tại thị trường trong nước đều ở trạng thái suy giảm, trong đó giảm mạnh nhất nằm ở mủ nước thu mua cao su tiểu điền.
Ngành cao su các nước cần hợp lực giảm nguồn cung để đẩy giá bán đi lên
Ghi nhận giá mủ nước ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu chốt tại thời điểm cuối tháng 3/2013 chỉ dao động ở mức 426-430 đồng/TSC, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2012 trở lại đây. Như vậy, xu hướng giảm giá cao su trong quý 1/2013 đã hoàn toàn trái ngược với nhận định của các chuyên gia trước đó khi cho rằng, giá cao su thế giới sẽ giữ được đà tăng trong quý 1/2013 do tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu lạc quan, Trung Quốc cũng đang kỳ vọng dần lấy được đà tăng trưởng, trong khi nguồn cung suy giảm.
Về thị trường, nhìn chung trong 3 tháng đầu năm 2013, tình hình XK cao su thiên nhiên vào hầu hết các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường NK cao su thiên nhiên lớn nhất đạt trên 100 ngàn tấn với trị giá khoảng 280 triệu USD (50% thị phần), giảm 21% về lượng và giảm 16% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Malaysia là thị trương lớn thứ hai với sản lượng đạt 33 ngàn tấn (17,8% thị phần) và 100 triệu USD.
Tính tổng quý 1/2013, XK cao su của VN đạt 194.000 tấn, trị giá 520,5 triệu USD, giảm gần 5% về lượng và giảm đến 25% về giá trị so cùng kỳ quý 1/2012. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ có 163 DN tham gia XK cao su, trong khi quý 1/2012 có đến 262 DN tham gia XK (giảm 99 DN). Sự sụt giảm này xuất phát từ chỗ giảm về sản lượng cao su XK, giá và giao dịch của thị trường, khiến cho kim ngạch XK của các DN cũng suy giảm rất đáng kể.
Những nguyên nhân tác động khiến giá cao su sụt giảm là do nhu cầu tiêu thụ suy giảm bởi khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài, làm thu hẹp mức tiêu thụ cao su của ngành sản xuất lốp xe và một số ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế chậm tại ở những nước tiêu thụ nhiều cao su như Trung Quốc, Ấn Độ đã làm nhu cầu cao su trở nên “yếu”.
Thêm nữa, nguồn dự trữ tại các kho ở Trung Quốc khá cao nên nước này ưu tiên sử dụng nguồn hàng trữ và hạn chế nhập khẩu trong những thời điểm giá cao. Điều đáng nói, giá dầu thô những tháng gần đây thấp làm giá cao su thiên nhiên khó tăng vì sự cạnh tranh của cao su tổng hợp (là sản phẩm từ dầu thô và có thể thay thế cao su thiên nhiên).
Theo tìm hiểu của PV, ngày 11/4 vừa qua, 3 nước XK cao su hàng đầu là Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhóm họp tại Thái Lan để thảo luận các biện pháp hỗ trợ giá, bao gồm cả cắt giảm XK nhằm ngăn chặn không làm giá cao su giảm sâu thêm. Tuy nhiên, khi bước vào tháng 4, cũng là lúc nguồn cung tăng nhanh do cây cao su chuẩn bị bước vào mùa khai thác, cộng với tình hình kinh tế thế giới vẫn đang trì trệ, tiêu thụ cao su chậm, thị trường trầm lắng sẽ rất khó vực dậy giá bán mặt hàng này.
Thậm chí có DN nhân định giá cao su sắp tới sẽ tiếp tục tụt dốc và chỉ đứng ở mức 50 triệu đồng/tấn. Chính vì thế, khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013, hầu hết các Cty cao su đều đề ra mức thấp hơn năm 2012. Đơn cử như Cty Cao su Tây Ninh năm 2012 đặt kế hoạch doanh thu 1.166 tỷ đồng, nhưng năm 2013 giảm xuống còn 991 tỷ đồng; Cty Cao su Thống Nhất đặt kế hoạch kinh doanh năm 2013 chỉ ở mức 23 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chưa bằng 30% kết quả đạt được trong năm 2012…