| Hotline: 0983.970.780

Bức tranh trái chiều trong xuất khẩu sắn

Thứ Năm 07/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nhu cầu sắn lát giảm mạnh trong năm nay, trong khi nhu cầu tinh bột sắn nhìn chung vẫn tốt. Sự trái chiều đó thể hiện rõ trong xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn.

Nhu cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đang giảm mạnh. Ảnh: Sơn Trang.

Nhu cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đang giảm mạnh. Ảnh: Sơn Trang.

Sắt lát giảm mạnh, tinh bột sắn tăng

Nhu cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc vẫn đang tiếp tục trong xu hướng giảm. Xu hướng này đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 5,61 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 21% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,89 triệu tấn sắn lát, trị giá 482 triệu USD, giảm 60% về lượng và giảm 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan, Việt Nam và Nigeria tiếp tục giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc giảm mạnh do nhu cầu sử dụng sắn lát của các nhà máy giảm. Bên cạnh đó, giá ngô thấp nên các nhà máy tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát.

Do Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sắn lát nói chung và nhập khẩu từ Việt Nam nói riêng, nên trong năm nay, sắn lát Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này giảm rất mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2024, dù vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng sắn lát Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 308 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 47% về lượng và giảm 49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, sắn lát Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 1,57 triệu tấn, trị giá 399 triệu USD, giảm 62% về lượng và giảm 65% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Cùng giảm mạnh nhưng do mức giảm của sắn lát Việt Nam thấp hơn sắn lát Thái Lan, nên thị phần của sắn lát Việt Nam lại tăng trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi thị phần sắn lát Thái Lan giảm mạnh từ mức 88% trong 8 tháng đầu năm 2023 xuống còn 83% trong 8 tháng đầu năm nay.

Do nhu cầu thị trường giảm mạnh nên giá sắn lát xuất khẩu trong năm nay thường xuyên ở mức thấp. Những ngày đầu tháng 11, tại cảng Quy Nhơn (Bình Định) giá sắn lát (giá FOB) xuất khẩu đi Trung Quốc là 245 USD/tấn, sắn lát xuất khẩu sang Hàn Quốc có giá 295 USD/tấn.

Trong khi nhu cầu sắn lát giảm mạnh thì nhu cầu tinh bột sắn của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên. 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,43 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,27 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 8 tháng qua, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonnesia. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 930 nghìn tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 38% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 32% của 8 tháng đầu năm 2023.

Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024, với 1,13 triệu tấn trị giá 617,41 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 47%, thấp hơn so với mức 56% của 8 tháng đầu năm 2023.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào và Campuchia, trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia. Thị phần tinh bột sắn của Lào và Campuchia trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Giá sắn lát vụ mới có thể tiếp tục giảm

Một số nhà máy đã giảm giá mua sắn nguyên liệu. Ảnh: Sơn Trang.

Một số nhà máy đã giảm giá mua sắn nguyên liệu. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất khẩu tinh bột sắn tuy tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, nhưng nhu cầu của thị trường Trung Quốc với mặt hàng này đang chậm lại kể từ cuối tháng 9 đến nay, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là tồn kho tinh bột sắn tại cảng Thanh Đảo vẫn ở mức cao (khoảng 200 nghìn tấn) nên thương nhân Trung Quốc giảm tiến độ đưa hàng về kho Thanh Đảo. Cùng với việc xuất khẩu sắn lát giảm mạnh, nhu cầu chậm lại với tinh bột sắn đang tác động tới giá sắn Việt Nam.

Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, khiến cho giá tinh bột sắn Việt Nam đang giảm xuống. Hiện giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 460-480 USD/tấn (FOB) tại cảng TPHCM, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng dao động ở mức 3.400-3.520 CNY/tấn, giảm 1.000 CNY/tấn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 10 đến nay, sản lượng sắn về các nhà máy nhiều hơn, trong khi tình hình xuất khẩu tinh bột sắn lại đang chậm. Vì vậy, một số nhà máy tại miền Trung, Tây Nguyên hạ giá mua nguyên liệu. Những ngày đầu tháng 11, giá thu mua sắn nguyên liệu tại một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động ở mức 1.900-2.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với đầu tháng 10.

Lo ngại nhất vẫn là mặt hàng sắn lát. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, thông tin từ các đơn vị kinh doanh sắn lát cho hay, dự kiến thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm giá và giảm nhu cầu. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp còn sắn lát tồn kho vụ 2023-2024 đang buộc phải mở kho bán xả lỗ, quay vòng tài chính cho vụ mới 2024-2025.

Với đơn vị còn tồn kho sắn lát vụ cũ, việc giá giảm khiến quyết định triển khai thu mua vụ mới sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi vừa phải cân đối về mặt tài chính, vừa phải cân đối giá. Một số chủ kho hàng sắn lát (hàng dùng cho nhà máy cồn) dự kiến mở kho chào giá bán hàng vụ cũ với mức giá tương đối thấp, ở mức dưới 5.000 đồng/kg, trong bối cảnh triển vọng mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục giảm do giá củ sắn tươi giảm.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 9/2024 do bị ảnh hưởng của mưa lũ và nhu cầu của Trung Quốc chậm. Cụ thể, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu được 121 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 57 triệu USD, giảm 37% về lượng và giảm 35% về trị giá so với tháng 8/2024; so với tháng 9/2023 giảm 54% về lượng và giảm 54% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,91 triệu tấn, trị giá 879 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...