| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay điện mía

Thứ Năm 30/05/2013 , 09:51 (GMT+7)

Có tiềm năng lớn, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển ngành mía đường nói riêng và phát triển nông thôn nói chung, và đã được rục rịch khởi động từ lâu, nhưng đến nay, số nhà máy phát điện từ bã mía vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, với công suất khá khiêm tốn.

Có tiềm năng lớn, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển ngành mía đường nói riêng và phát triển nông thôn nói chung, và đã được rục rịch khởi động từ lâu, nhưng đến nay, số nhà máy phát điện từ bã mía vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, với công suất khá khiêm tốn. Nguyên nhân chính vẫn ở chuyện giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Lãng phí lớn

Nói về tiềm năng làm điện từ bã mía, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho biết, mục tiêu mà Chính phủ đề ra để phát triển điện sinh khối, bã mía là 500 MW vào năm 2020, thì đến thời điểm này, việc sản xuất được lượng điện nói trên đã nằm trong tầm tay của ngành mía đường. Bởi nếu đem toàn bộ lượng bã mía ép ra từ trên 16 triệu tấn mía trong niên vụ 2012 - 2013, để phát điện, dư sức có được trên 500 MW điện. Hiệp hội Mía đường cũng đồng tình với nhận định này. Theo Hiệp hội, hiện nay, 41 nhà máy đường nằm phân tán tại các khu vực nông thôn trên cả nước có tổng công suất ép 139.800 tấn mía/ngày. Nếu toàn bộ 41 nhà máy này cùng phát điện từ bã mía, tổng công suất sẽ đạt trên 500 MW.

Tuy nhiên, do thiếu cơ chế hỗ trợ, hiện mới chỉ có 6 dự án phát điện từ bã mía được đấu nối với lưới điện quốc gia. Tổng công suất của 6 dự án này còn rất khiêm tốn là 76,5 MW. Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng trở ngại lớn nhất trong việc đấu nối điện mía vào lưới điện quốc gia, không gì khác ngoài chuyện giá bán. Tuy giá điện mía mà EVN thu mua đã được nâng lên mức 1.100 đ/KW, nhưng vẫn còn kém xa giá thành bình quân là trên 1.600 đ/KW.


Phát triển điện mía sẽ giúp duy trì được giá thu mua mía ở mức có lợi cho nông dân

Giá bán điện thấp đang gây ra sự lãng phí lớn ở các nhà máy đường. Ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP Đường Biên Hòa, cho hay: “Giá bán điện cỡ nào thì nhà đầu tư sẽ phải tính toán đầu tư cỡ đó để tránh bị lỗ nặng. Giá thấp thì đầu tư 500 ngàn USD cũng sản xuất ra được 1 MW điện. Giá bán điện cao, có thể nâng mức đầu tư cho mỗi MW điện lên 1,5 triệu USD. Cái khác nhau là ở chỗ nếu đầu tư 500 ngàn USD cho mỗi MW, thì mỗi tấn bã mía chỉ sản xuất ra được khoảng 50 kWh. Còn nếu đầu tư 1,5 triệu USD, mỗi tấn bã mía có thể sản xuất tới 150 KWh”. Chính vì thế, suất sinh năng lượng của các dự án điện mía hiện nay ở nước ta đang kém xa mức của thế giới khi chỉ đạt bình quân 30 KWh/tấn mía.

Còn theo ông Nguyễn Đức Cường, GĐ Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng, Bộ Công thương), do giá bán điện mía hiện quá thấp nên nhiều nhà máy đang đành phải cố đốt bỏ hết bã mía trong vụ. Đây là sự lãng phí lớn, bởi các nhà máy phải bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ để đốt bỏ bã mía và vứt đi một lượng hơi lớn phát sinh ra từ chỗ bã mía bị đốt bỏ này, mà nếu dùng để phát điện, sẽ cho ra một sản lượng điện không nhỏ. Đó là mới tính chỗ bã mía, vì nếu làm nhà máy phát điện, thì cây mía không phải bỏ cái gì hết, kể cả chỗ ngọn mía đang được chặt bỏ đi như hiện nay.

Điện mía phải là sản phẩm chính

Để điện mía thoát ra khỏi sự luẩn quẩn như trên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc không nên coi điện mía là một phụ phẩm của ngành mía đường mà phải coi đây là một sản phẩm chính. Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng, nếu làm mía đường mà chỉ chăm chăm tính xem giá 1 kg đường là bao nhiêu để quy ra giá thu mua mía thì ngành mía đường sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh được với ngành mía đường ở các nước khác. Thay vào đó, phải đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm khác ngoài đường, đặc biệt là phải đưa điện mía trở thành một sản phẩm chính.

Ông Hòa dẫn chứng, trong một hội nghị quốc tế lớn gần đây về mía đường, người ta lại chỉ bàn ít về đường mà tập trung nhiều thời gian về vấn đề ngành đường tham gia vào hệ thống năng lượng của thế giới. Vì thế, nếu định hướng ngành mía đường tham gia vào an ninh năng lượng quốc gia sẽ là cơ hội tốt để phát triển cả ngành hàng. Phát điện từ bã mía không chỉ giúp các nhà máy đường giảm chi phí năng lượng, tăng doanh thu lợi nhuận, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển nông thôn, góp phần làm giảm phát thải nhà kính, và nhất là giúp cho ngành mía đường có thể duy trì được giá mía ở mức có lợi cho nông dân để người trồng mía tiếp tục gắn bó với cây trồng này. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cũng cho rằng đã đến lúc các nhà máy đường không chỉ có làm đường mà phải chú trọng sản xuất cả điện mía như là một sản phẩm chính.

Điều đáng mừng là Bộ Công thương cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của điện mía. Bà Thoa (Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương) cho hay thủ tục phê duyệt đấu nối vào điện lưới quốc gia hiện đã có. Bộ Công thương đang chuẩn bị trình dự thảo quy định một khi các nhà máy đường sản xuất điện sinh khối từ bã mía, EVN bắt buộc phải mua nguồn điện này.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trở ngại lớn nhất cho việc phát triển điện mía vẫn là ở giá bán điện cho EVN. Ông Đoàn Xuân Hòa thẳng thắn: “Giá mua điện mía của EVN phải được 7 US cent/KW thì nhà máy đường mới nên bán. Còn không được giá đó thì thôi”. Đại diện của nhiều công ty đường cũng cho rằng giá mua điện mía phải từ 7 US cent/KW thì việc phát điện từ bã mía lên lưới điện quốc gia mới đảm bảo được lợi nhuận cho các nhà máy đường. Còn giá bán trung bình 5,6 US cent/KW hiện nay là quá thấp, không thể khuyến khích cho viêc phát triển nguồn phát điện từ bã mía.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm