| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc mạnh tay với truyền hình ngoại

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:40 (GMT+7)

Trung Quốc vừa đưa ra một quyết định đáng chú ý là hạn chế chương trình truyền hình có gốc nước ngoài, nhằm "dọn rác" trên vô tuyến và cứu vãn "phẩm giá" quốc gia.

Cách đây hơn 10 năm, các chương trình truyền hình nước ngoài bắt đầu xuất hiện trên sóng vô tuyến Việt Nam và thu hút được sự quan tâm của khán giả trong nước. "Chiếc nón kỳ diệu", "Ai là triệu phú" hay "Trò chơi âm nhạc" là các chương trình thu hút và gắn bó rất lâu với người dân Việt Nam bởi sự mới mẻ trong nội dung.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khán giả Việt như đang bị "bội thực" các món ăn tinh thần mang tên chương trình truyền hình. Hàng loạt các chương trình có nguồn gốc nước ngoài ồ ạt lên sóng, thậm chí còn khiến người xem nhầm lẫn với nhau.

Ca nhạc có "Vietnam Idol", "The Voice", "The Voice Kid" và sắp tới dự kiến đưa "X-Factor" của Anh về Việt Nam. Bên cạnh đó là những chương trình như "Next Top Model", "Bước nhảy hoàn vũ", "Vietnam Got Talent" hay "Vua đầu bếp"...

Khác với Việt Nam, nước láng giềng Trung Quốc vừa đưa ra một quyết định khiến báo chí phương Tây chú ý là hạn chế chương trình truyền hình có gốc nước ngoài, nhằm "dọn rác" trên vô tuyến và cứu vãn "phẩm giá" quốc gia.

"Trò hề vô trách nhiệm"

Theo đó, chính quyền đã cấm các đài truyền hình vệ tinh trong nước mua nhiều hơn một bản quyền chương trình nước ngoài để hạn chế sự "thô tục" và "quá tải" của chúng trên sóng truyền hình Trung Quốc.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ năm 2014, trong đó cũng nói các chương trình có nguồn gốc nước ngoài sẽ không được phát sóng trong "khung giờ vàng" từ 19h30 - 22h.

Quy định được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất phim hoạt hình dọn dẹp lại sản phẩm của họ. Tuần trước, báo chí nhà nước Trung Quốc cáo buộc một số nhân vật hoạt hình trên sóng truyền hình Trung Quốc đã dẫn dắt hàng triệu trẻ em vào thế giới bạo lực bằng nhiều "trò hề vô trách nhiệm trên màn ảnh".


Trung Quốc sẽ hạn chế chương trình giải trí du nhập từ nước ngoài 

Trước đó, tháng 2/2013, cơ quan quản lý truyền thông Trung Quốc cũng đã đưa ra chỉ thị với các kênh truyền hình chỉ được thực hiện nhiều nhất 50 kỳ của các chương trình mua bản quyền nước ngoài và không được chiếm quá 25% thời lượng lên sóng của các chương trình nội địa.

Trong "khung giờ vàng" những chương trình nước ngoài sẽ được thay thế bởi các chương trình trong nước được mô tả là "xây dựng đạo đức" và có giá trị giáo dục cao.

Hiện nay, các nhà chức trách Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến chỉ số gia tăng sự phụ thuộc vào các chương trình có nguồn gốc nước ngoài như "Chinese Idol" đã mua bản quyền của "American Idol". Việc dễ dàng xin được giấy phép của các chương trình này và thu hút người xem, xin được tài trợ đã khiến các kênh truyền hình đổ xô đi làm.

Southern Metropolis, một tờ báo của Trung Quốc nói quy định mới cũng yêu cầu các nhà đài tăng lượng phát sóng những chương trình vì lợi ích cộng đồng như phim tài liệu, giáo dục và chương trình “xây dựng đạo đức” lên không dưới 30% tổng số chương trình, và 3 tháng mới được chiếu thêm một chương trình tài năng âm nhạc mới.

Tuy nhiên, theo Xia Chen'an, Phó Giám đốc kênh truyền hình vệ tinh Chiết Giang, những quy định mới này sẽ giúp thúc đẩy sự độc đáo của các chương trình truyền hình Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc siết chặt các quy định về truyền hình sẽ hạn chế được sự tràn lan và "thô tục" của các chương trình giải trí trên truyền hình Trung Quốc.

Không phải ai cũng đồng ý

Hãng tin CNN dẫn lời một lãnh đạo cấp của các kênh truyền hình giấu tên nói: “Cuối cùng, các chương trình truyền hình Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng ít nhưng mà chất lượng. Nhưng nếu hạn chế các chương trình giải trí như vậy sẽ chẳng khác gì đất nước cách đây hàng chục năm”.

Số khác lại bày tỏ sự lo ngại về việc cấm các chương trình nước ngoài đồng nghĩa với việc đẩy khán giả ra xa màn hình TV, nhất là trong bối cảnh bùng nổ của internet cũng như các loại hình mạng xã hội, truyền hình di động ngày càng có nhiều người tham gia hiện nay.

Trong khi đó, quy định thắt chặt các chương trình giải trí đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người dùng trên các trang mạng xã hội, blog của Trung Quốc như Weibo. CNN đã dẫn những lời nhận xét của "cư dân mạng" cho rằng đây là một động thái "tùy tiện và thiếu hiểu biết".

Một số thành viên đã viết: “Thật là kinh khủng, thế này thì khác gì thời kỳ công nghệ chưa phát triển. TV bây giờ sẽ vô dụng, may thay là tôi còn có máy tính” hoặc “Thắt chặt như thế này thì chúng ta chẳng có thể làm gì nữa”.

Thành viên xiaojiewu của Weibo nói: “Thật là vô lý, rõ ràng CCTV – Truyền hình trung ương Trung Quốc đang lo sợ mất vị trí trước khán giả hoặc sợ hãi để cạnh tranh với các kênh truyền hình vệ tinh khác. Đây có thể là hành động ngầm ủng hộ CCTV và chống lại các kênh khác”.

Xem thêm
Tiến sĩ Lê Kiên Thành tạo cơn sốt mới trên thị trường sách

Tiến sĩ Lê Kiên Thành bỗng dưng trở thành một hiện tượng trong đời sống xuất bản, khi cuốn sách ‘Những khoảnh khắc sống’ của ông nhanh chóng bán hết sau hai lần in.

Nhận định Borussia Dortmund vs Atletico Madrid: Khách lấn chủ

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Borussia Dortmund vs Atletico Madrid sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 17/4/2024 trên sân vận động Signal Iduna Park.

U23 Việt Nam đi bộ làm quen SVĐ thi đấu chuẩn World Cup

Các thành viên U23 Việt Nam hào hứng trải nghiệm chuyến thăm quan sân vận động Al Janoub trước trận gặp U23 Kuwait tại VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.