UBND tỉnh Phú Thọ vừa ký ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2025 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT.
Kế hoạch nhằm đảm bảo sát thực tiễn, hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi và cộng đồng đảm bảo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Đảm bảo sự chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý nhanh, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ngoài ra, giúp kiểm soát tốt, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững ngành chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từng bước xã hội hóa công tác phòng bệnh cho động vật theo nguyên tắc “phòng bệnh là chính”, “phòng chống dịch bệnh trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp”.
Kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đảm bảo 100% các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh trên địa bàn được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định; không để phát sinh, lây lan các ổ dịch lớn, gây thiệt hại cho sản xuất.
Trong đó, đối với bệnh dại động vật, phấn đấu 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý, lập sổ theo dõi đàn chó nuôi, không có người tử vong vì bệnh dại, đảm bảo tỷ lệ chó, mèo được tiêm vacxin Dại đạt trên 75% tổng đàn.
Đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 100% trang trại quy mô lớn, 90% trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Đối với các loại dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm khác (cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục…) đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh đạt trên 70% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng.
Đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh gây ra, trong đó mục tiêu 100% trang trại chăn nuôi quy mô lớn áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Kế hoạch của tỉnh Phú Thọ cũng giao lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Liên quan đến phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 14/CT-TTg yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT thể hiện, từ đầu năm đến nay cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn buộc tiêu hủy là 81.030 con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, bão số 3, 4 và 6 đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi và mưa bão làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi, nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi, khôi phục sản phẩm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
“Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra bùng phát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quản lý”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.