Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm chết trên 44 ngàn con gia cầm và gần 20 ngàn con gia súc của người chăn nuôi trên cả nước.
Đứng trước tình hình thời tiết không thuận lợi, một số tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã lựa chọn các giải pháp chăn nuôi phù hợp kết hợp tạo những thành công mới cho ngành chăn nuôi tại địa phương.
Theo ông Vân, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có cơ cấu vật nuôi rất đa dạng và thời gian gần đây có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là khu vực có lợi thế chăn nuôi vật nuôi chịu hạn, ít cần nước như cừu, đà điểu, ong mật, tằm, các sản phẩm chăn nuôi này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm tương ứng của ngành chăn nuôi cả nước.
Đây là một trong những mô hình sản xuất chăn nuôi hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân khi các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, trên cơ sở nhận định khí tượng thủy văn, thời gian tới khu vực Nam Trung bộ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng gay gắt của hạn hán, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước uống, thức ăn gia súc có khả năng sẽ xảy ra ở một số địa phương như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Nhìn chung, mức độ hạn hán ở khu vực Nam Trung bộ sẽ tương đương như năm 2015 và tiếp tục ảnh hưởng đến hết tháng 8/2016. Để đối phó với tình trên, Tổng cục Thủy lợi đã liên tục tham mưu cho Bộ những giải pháp cấp bách và lâu dài về thủy lợi cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận và Khánh Hòa chiếm trên 98% sản lượng cả nước
Ông Đoàn Đức Vũ, GĐ TT Công nghệ sinh học chăn nuôi – Phân viện chăn nuôi Nam bộ cho biết, ngoài bất lợi về điều kiện thời tiết khô hạn nắng nóng quanh năm, vùng Nam Trung bộ cũng có những điểm thuận lợi để chăn nuôi bò thịt, dê và cừu như: Là ngành sản xuất truyền thống của nhiều hộ nông dân, nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có dù điều kiện khô hạn, vị trí địa lý sát biển giúp vật nuôi nhận được nhiều khoáng chất nên phát triển tốt hơn những nơi khác…
Vừa qua, Viện Chăn nuôi đã có những đề xuất đối với công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để duy trì và phát triển chăn nuôi bò thịt, dê và cừu trong điều kiên hạn hán vùng Nam Trung bộ.
Điển hình là nghiên cứu quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước bằng cách sử dụng đệm lót sinh học để không xịt rửa chuồng trại, nghiên cứu một số giống cỏ, cây thức ăn chịu hạn theo phương pháp truyền thống, nghiên cứu so sánh hiệu quả kinh tế chuyển đổi trồng bắp, mía từ mục đích lương thực, thực phẩm sang làm thức ăn cho gia súc nhai lại…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, đến nay tình hình biến đổi khí hậu nóng và hạn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và địa phương.
Cơ quan quản lý nhà nước cần phải có vai trò, trách nhiệm chỉ đạo điều hành cụ thể để TƯ và địa phương khắc phục tình trạng này. Cần đưa ra những giải pháp cấp bách trước mắt và giải pháp bền vững lâu dài để khi hạn và xâm nhập mặn xảy ra chúng ta sẽ chủ động đối phó được mọi tình huống.
Ông Tám đề nghị, thời gian tới các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT và địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp quản lý và chỉ đạo điều hành cụ thể. Trước mắt, các Sở NN-PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh nắm rõ tình hình hiện trạng chăn nuôi trong điều kiện hiện nay, nắm bắt hoàn cảnh các hộ dân trong vùng khô hạn ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào, cán bộ tham mưu phải trực tiếp xuống tận nơi để có báo cáo chi tiết.
Giao Cục Chăn nuôi triển khai tham mưu cho Bộ đề án đánh giá đầy đủ hiện trạng dự báo các vật nuôi trong điều kiện nắng nóng, quy hoạch và đưa ra giải pháp tổng thể.
Theo Cục Chăn nuôi, một số sản phẩm chăn nuôi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng sản lượng chăn nuôi của cả nước như: Thịt đà điểu đạt trên 1 ngàn tấn chiếm 83,6% tổng sản lượng cả nước, thịt cừu đạt 1,85 ngàn tấn chiếm 98,3% cả nước, tập trung tại Ninh Thuận và Khánh Hòa, mật ong đạt 9,3 ngàn tấn chiếm 60% cả nước chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, sản lượng kén tằm đạt gần 5 ngàn tấn chiếm 74% cả nước tập trung ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Định. |