Đại học Trà Vinh chuyển giao kết quả nghiên cứu
Trong công tác phòng chống dịch bệnh vai trò của nghiên cứu khoa học là cực kỳ quan trọng. Thời gian qua, Trường Đại học Trà Vinh là một trong những đơn vị hàng đầu tại ĐBSCL có nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
TS Nguyễn Văn Vui, Phó Trưởng Bộ môn Chăn nuôi - Khoa Nông nghiệp và Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: Trong những năm vừa qua, đã có nhiều hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học đến với bà con nông dân chăn nuôi.
Hàng năm, Trường tổ chức tập huấn về quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi, trên các đối tượng vật nuôi cho bà con nông dân. Qua đó, người chăn nuôi biết được quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, từ đó sẽ kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn.
Trường cũng đang nghiên cứu về ứng dụng tinh dầu, cũng như các chiết xuất từ thảo dược trong việc phòng và kiểm soát dịch bệnh, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi và đã chuyển giao cho người nông dân ứng dụng trong việc phòng bệnh.
Nghiên cứu xây dựng quy trình cơ sở an toàn dịch bệnh. Thông qua đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc tiêm phòng cũng như là đánh giá hiệu quả tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Qua đó, đã chuyển giao mô hình cho các địa phương. Mục đích là để tạo được khu vực an toàn về dịch bệnh và kiểm soát dịch bệnh.
Luôn tham vấn ý kiến nhà khoa học
Tại Trà Vinh, trong quá trình phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi Thú y kết hợp chặt chẽ với các viện, trường, nhà khoa học ở các ngành liên quan trong tỉnh. Đặc biệt, luôn tham khảo ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành ở Trường Đại học Trà Vinh, Đại học Cần Thơ và Đại học Nông Lâm TP. HCM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trà Vinh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Trà Vinh khuyến cáo bà con trong phát triển chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh bằng cách xây dựng chuồng trại khép kín đảm bảo có hố sát trùng đầy đủ. Hạn chế khách tham quan, có nơi xử lý nước thải, áp dụng công nghệ biogas.
Đối với các trường hợp chăn nuôi ở vườn, áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng, trong đó có hầm biogas. Sau khi đã xử lý biogas mới thải ra môi trường ao, có như thế mới đảm bảo được vệ sinh. Đối với chăn nuôi an toàn sinh học, ngoài hầm biogas còn sử dụng thêm các loại đệm lót sinh học để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong quá trình tổ chức phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh đã tham khảo ý kiến các tỉnh và các viện trường, trong đó có Đại học Trà Vinh về xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh.
"Hiện tại, theo Thông tư 24 của Bộ NN-PTNT, chúng ta xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh từ cấp xã. Kế hoạch năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ có hai vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đó là một vùng an toàn dịch bệnh dại, an toàn dịch bệnh lở mồm long móng. Đây là bước cố gắng vượt bậc của ngành chuyên môn để đảm bảo quản lý được dịch bệnh", ông Trương Công Lý, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trà Vinh cho biết.
Theo chỉ đạo từ Bộ NN-PTNT, các tỉnh phải tập trung xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh bởi chỉ có thế mới xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh, mới hy vọng khống chế được dịch bệnh. Tỉnh Trà Vinh cũng đã xây dựng được một số vùng an toàn dịch bệnh đối với các dịch bệnh như bệnh dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm. Tới đây, sẽ phấn đấu xây dựng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Mặc dù đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi sẽ rất khó khăn do đối tượng tiêm, tới thời điểm này vacxin của các nhà sản xuất trong nước chỉ tiêm được trên đối tượng heo thịt. Do đó, để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với dịch tả heo Châu Phi là cả một vấn đề khó khăn nhưng ngành chuyên môn Trà Vinh cho biết sẽ cố gắng sẽ phấn đấu để bảo đảm được chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh, hạn chế bệnh dịch tả heo Châu Phi.
“Đối với những mô hình về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, thuận lợi là chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh thông qua việc tất cả những vật nuôi được tiêm phòng. Khi mà được tiêm phòng hết thì đảm bảo được việc là vật nuôi khi mà có bệnh xâm nhập nó có miễn dịch để mà chống lại bệnh đó. Ngoài ra, khi mà xây dựng khu an toàn dịch bệnh, người chăn nuôi đã được tập hướng về cái quy trình an toàn sinh học, đảm bảo được việc an toàn sinh học trong chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Vui nhận xét.
Tại ĐBSCL, năm 2024 đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng khoa học mới trong lĩnh vực thú y. Tiêu biểu có thể kể đến như, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh trên thú cưng; ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh cho gia súc - gia cầm; ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu thú y.
Thời gian tới, để tiếp tục có nhiều kết quả khả quan trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành thú y cần tiếp tục nghiên cứu cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh.
Nghiên cứu dịch tễ học, mô hình mô phỏng, dự báo dịch bệnh, dịch tễ học phân tử các bệnh nguy hiểm. Ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ gen để phát triển các loại vacxin thế hệ mới, cải tiến vacxin cũ bằng phương pháp sinh học phân tử.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nước ta đã có 90 cơ sản xuất thuốc thúy và 10 cơ sở sản xuất vacxin đạt chuẩn GMP của WHO với khoảng 200 loại vacxin được nghiên cứu và đăng ký sản xuất, đưa vào lưu hành mỗi năm; đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước.