Sắn là một trong những cây trồng chiếm vị trí khá quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Bình Thuận. Những năm gần đây, diện tích sắn ở tỉnh này đạt trên dưới 27.000ha.
Đây là cây trồng có nhiều lợi thế, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân, nhất là các vùng miền núi. Tuy nhiên bệnh khảm lá sắn diễn biến ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng cho người trồng sắn trong tỉnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, bệnh khảm lá virus hại sắn lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, qua theo dõi tình hình bùng phát, lây lan bệnh khảm lá sắn ở nước ta cho thấy mật số bọ phấn trắng tăng cao trước khi bùng phát. Trong quá trình chích hút cây sắn, bọ phấn trắng sẽ hấp thu và truyền virus gây khảm lá từ cây bệnh sang cây khỏe. Do đó khi nông dân sử dụng lại hom giống đã bị nhiễm bệnh, nhất là giống HL-S11 bị nhiễm nặng (giống chưa được công nhận) cũng là nguyên nhân làm lây lan bệnh.
Trước tình hình trên, vào tháng 7/2017, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn. Một trong các biện pháp quản lý bệnh khảm kinh tế nhất trong quy trình là sử dụng giống kháng bệnh. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, chọn tạo và đề xuất các giống sắn kháng bệnh khảm lá để đưa vào sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Sau đó, Viện Di truyền nông nghiệp đã nhập khẩu giống sắn từ Nigeria với tên giống nhập khẩu là TMEB419 và tên Việt Nam là HN1 để trồng thử nghiệm, cho kết quả kháng bệnh khảm lá rất tốt và đã được công bố giống vào ngày 6/12/2021.
Để có cơ sở khuyến cáo nông dân tại Bình Thuận phát triển giống sắn HN1 kháng bệnh khảm lá và quản lý bệnh khảm lá sắn tốt tại địa phương, năm 2024, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã triển khai 2 mô hình tại xã Tân Hà (huyện Đức Linh) và xã Tân Hà (huyện Hàm Tân). Mỗi mô hình đều có 1 hộ tham gia với diện tích khoảng 1ha. Các hộ được hỗ trợ chi phí sản xuất, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình thực hiện mô hình.
Ông Trần Đức Thiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, sau 7 - 8 tháng triển khai cho thấy giống sắn HN1 có năng suất củ tươi đạt 40 tấn/ha đối với mô hình tại xã Tân Hà (huyện Đức Linh) và trên 45 tấn/ha đối với mô hình xã Tân Hà (huyện Hàm Tân). Trong khi các giống sắn khác tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân năng suất ước chỉ đạt khoảng 35 tấn/ha do bị nhiễm bệnh khảm lá virus.
Bên cạnh đó, giống sắn HN1 còn cho năng suất thân, lá từ 19 - 27 tấn/ha. Đặc biệt, giống này có hàm lượng tinh bột đáng chú ý, đạt trên 27%, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến tinh bột.
Ngoài ra, giống sắn HN1 không có dấu hiệu nhiễm bệnh thối củ hoặc khảm lá do virus. Điều này cho thấy việc sử dụng giống kháng để quản lý bệnh khảm lá sắn là giải pháp hiệu quả nhất mà không cần sử dụng các biện pháp hóa học quản lý bọ phấn trắng cũng như sử dụng biện pháp vệ sinh vườn bằng cách nhổ bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh.
Theo ông Trần Đức Thiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, thời gian tới, Chi cục tiếp tục khảo sát trồng giống sắn HN1 trên những vùng đất khác nhau của tỉnh để xem khả năng kháng bệnh khảm lá virus và một số dịch hại phổ biến cũng như triển khai những thí nghiệm để lựa chọn mật độ và quy trình canh tác cho giống sắn HN1 tại các địa phương.