Khởi đầu đầy thử thách
Âu Phát Đạt, sinh viên năm thứ 4, Khoa Nông nghiệp - Thủy Sản ngành Nông học, Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), là một trong những tấm gương trong việc khởi nghiệp với mô hình nuôi dê, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Với niềm đam mê về chăn nuôi và mong muốn ứng dụng kiến thức học được vào thực tế, Đạt đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng nuôi dê. Dù mô hình còn rất nhỏ, nhưng xét ở khía cạnh ý tưởng "khởi nghiệp" bằng chính các kiến thức đang được học ở trường, Đạt rất có tiềm năng trở thành ông chủ trang trại chăn nuôi lớn trong tương lai.
Câu chuyện khởi nghiệp của Đạt bắt đầu từ một ý tưởng giản đơn, khi thấy trường có nhiều khu đất trống, cỏ mọc tự nhiên nhưng chưa được tận dụng, Đạt đã nghĩ đến việc nuôi dê để tận dụng nguồn cỏ và ứng dụng kiến thức chăn nuôi đã học. "Em thấy đất có cỏ, có thể tận dụng phụ phẩm từ nông sản như bã đậu, trái cây bỏ đi, vậy sao không nuôi dê?", Đạt chia sẻ.
Mặc dù là sinh viên năm thứ hai và chưa có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, Đạt vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng. Sinh viên này đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, sách vở và tham khảo những người có kinh nghiệm để trang bị kiến thức cần thiết.
Với sự quyết tâm, Đạt bắt đầu với 5 con dê, trong đó có một con dê đực và 4 con dê cái với nguồn vốn mượn ở trường. Đạt áp dụng phương pháp bán chăn thả để giảm chi phí cắt cỏ và tăng sức đề kháng cho dê, vì chúng được vận động nhiều và ăn thức ăn tự nhiên. "Phương pháp bán chăn thả giúp dê vận động tự do, tránh mắc bệnh ngoài da và tiết kiệm công sức chăm sóc," Đạt nói.
Sau hai năm, đàn dê của Đạt phát triển mạnh mẽ, từ 5 con ban đầu lên đến 20 con. Mỗi năm, Đạt thu về khoảng 60 triệu đồng từ việc bán dê và sữa dê, một nguồn thu nhập ổn định với một chàng sinh viên, giúp Đạt trang trải học phí và sinh hoạt. Thành công này không chỉ nhờ vào phương pháp chăm sóc đúng đắn mà còn nhờ vào kiến thức về thú y giúp Đạt phòng ngừa bệnh tật cho đàn dê.
"Kiến thức về thú y giúp mình phòng ngừa bệnh tật và giữ cho đàn dê khỏe mạnh, từ đó mô hình phát triển bền vững," Đạt cho biết.
Bên cạnh nuôi dê, Đạt cũng mở rộng mô hình chăn nuôi gia cầm. Sau một năm triển khai, mô hình nuôi gà mang lại cho Đạt khoảng 20 triệu đồng mỗi năm. Việc phát triển mô hình gia cầm không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp Đạt củng cố thêm kiến thức về chăm sóc gia cầm và phòng ngừa bệnh tật.
Ngoài việc phát triển mô hình chăn nuôi, Đạt cũng mong muốn chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Đạt đã cùng thầy cô khoa Nông nghiệp và Thú y tổ chức các chương trình thực tập cho sinh viên, giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm về chăm sóc và phòng trị bệnh cho động vật.
Dự định mở rộng quy mô và hỗ trợ cộng đồng
Đạt dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng số lượng đàn dê lên khoảng 100 con để cung cấp giống cho nông dân địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện chàng sinh viên này đang phối hợp với một hộ gia đình tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long để xây dựng chuồng trại với sức chứa khoảng 120 con dê.
Mô hình này không chỉ giúp Đạt tăng thu nhập mà còn giúp đỡ bà con nông dân cung cấp giống dê chất lượng và hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh. "Mình mong muốn mô hình của mình giúp đỡ bà con, không chỉ cung cấp giống dê mà còn chia sẻ kiến thức về chăn nuôi, từ đó giúp họ nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình," Đạt cho biết.
Mục tiêu của Đạt không chỉ là phát triển mô hình chăn nuôi cá nhân mà còn giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là bà con ở các địa phương khó khăn, cung cấp kiến thức và nguồn lực để họ phát triển chăn nuôi bền vững. Đạt hy vọng những gì anh học được tại trường sẽ giúp ích cho mình và cho cộng đồng.
"Mình sẽ tiếp tục đam mê chăn nuôi, không chỉ mở rộng quy mô mà còn chia sẻ kiến thức học được cho bà con, giúp họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, từ đó giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế," Đạt nói.
Nhận xét về mô hình khởi nghiệp của Âu Phát Đạt, cô Nguyễn Kim Quyên, Trưởng Khoa Nông nghiệp - Thủy sản của Đại học Cửu Long, nhận xét: "Đạt là một sinh viên năng động và sáng tạo, biết áp dụng kiến thức vào thực tế. Mô hình nuôi dê không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo động lực cho sinh viên khởi nghiệp."
Cô Quyên cũng nhấn mạnh rằng, Đạt có tầm nhìn rộng khi mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho cộng đồng. "Điều này rất đáng quý, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp cần những người trẻ có tư duy đổi mới, sáng tạo và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật," cô nói.
Câu chuyện khởi nghiệp của Âu Phát Đạt là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong ngành nông nghiệp. Với niềm đam mê và sự kiên trì, Đạt đã chứng minh rằng sinh viên có thể áp dụng kiến thức học được để khởi nghiệp và thành công, khi còn đang học tập tại trường. Mô hình nuôi dê và gia cầm của Đạt không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là nguồn động lực cho sinh viên ngành Nông học trường Đại học Cửu Long, giúp họ tự tin khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.